Năm 2020, ước tính mức tổn thất về thời giờ làm việc là 8,8%, tương đương với số giờ làm việc một năm của 255 triệu lao động toàn thời gian. Chỉ số khái quát này thể hiện những khía cạnh khác nhau mà đại dịch tác động tới thị trường lao động.
Khoảng một nửa mức tổn thất về thời giờ làm việc này là do số giờ làm của những người vẫn có việc làm bị giảm đi (điều này có thể là do thời giờ làm việc ngắn hơn hoặc số giờ làm “bằng không” do áp dụng chế độ nghỉ phép). Nửa còn lại là do mất việc làm.
So với năm 2019, tổng việc làm đã giảm xuống mức 144 triệu do người lao động bị thất nghiệp hay rời khỏi lực lượng lao động. Nếu đại dịch không xảy ra, ước tính thế giới sẽ tạo ra 30 triệu việc làm mới trong năm 2020. Tựu chung lại, những tổn thất này cho thấy mức thiếu việc làm toàn cầu đã tăng lên 144 triệu trong năm 2020, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu cơ hội việc làm vốn hiện hữu trước đại dịch.
Những làn sóng dịch tiếp tục bùng phát trên toàn cầu gây tổn thất về thời giờ làm việc vẫn duy trì ở mức cao năm 2021, dẫn đến tổng mức thiếu hụt thời giờ làm việc trong quý I là 4,8% và giảm nhẹ còn 4,4% trong quý II.
"Mức thiếu hụt tương đương với số giờ làm việc của 140 triệu lao động toàn thời gian trong quý I và 127 triệu lao động toàn thời gian trong quý II, cho thấy dù nửa đầu năm 2021 đã sắp trôi qua, cuộc khủng hoảng này vẫn còn lâu nữa mới kết thúc", ILO đánh giá.
Những tiến bộ đạt được trong 5 năm vừa qua hướng tới xóa bỏ tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại điểm xuất phát khi tỷ lệ có việc làm vẫn nghèo đã quay lại mức của năm 2015.
Trong thời gian tới đây, theo ILO, mức tăng trưởng việc làm dự báo sẽ không đủ để thu hẹp những khoảng trống mà cuộc khủng hoảng này gây nên.
Tác động không đồng đều của khủng hoảng làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt việc làm thỏa đáng và bất bình đẳng xã hội vốn đã tồn tại từ trước
Tiến độ triển khai tiêm vắc-xin chậm hơn dự kiến cùng với sự bùng phát trở lại của đại dịch từ đầu năm 2021 đã lý giải cho việc ILO điều chỉnh mức khôi phục thời giờ làm việc xuống ít hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong báo cáo nhanh số 7 của ILO: COVID-19 và Thế giới Việc làm đã ban hành cuối tháng 1 năm 2021. Số liệu dự báo mới cho thấy năm 2021 sẽ tiếp tục ghi nhận thêm tổn thất về thời giờ làm việc tương đương với 10 triệu việc làm toàn thời gian, khiến tổng thiệt hại về việc làm tăng lên 100 triệu thay vì con số 90 triệu trong báo cáo trước khi điều chỉnh.
Lao động phi chính thức cũng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do khủng hoảng. Năm 2019, gần 2 tỷ người lao động, tương đương với 60,1% người có việc làm trên toàn cầu, làm việc trong khu vực phi chính thức. Lao động phi chính thức có nguy cơ mất việc do khủng hoảng cao hơn gấp ba lần so với lao động chính thức và cao hơn 1,6 lần so với lao động tự làm, gây nên sự chuyển dịch sang hình thức lao động tự làm như chúng ta đã thấy. Hơn nữa, với tình trạng phi chính thức của mình, họ ít có khả năng được hưởng các chế độ an sinh xã hội. Do nhiều người trong số họ có mức tiết kiệm thấp hơn nên nhiều khả năng họ sẽ rơi vào cảnh nghèo đói hơn. Tình cảnh vốn đã bất lợi, cộng thêm sự gián đoạn nghiêm trọng trong công việc có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thị trường lao động tương lai của họ.
Tác động không đồng đều của khủng hoảng có mối liên hệ với trình độ kỹ năng, do đó làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội ở một phương diện khác. Người lao động có trình độ kỹ năng cao hơn có xu hướng làm việc trong các ngành nghề ít bị ảnh hưởng bởi mất việc làm và có thuận lợi khi được lựa chọn làm việc từ xa. Khả năng làm việc tại nhà trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng cao hơn và trong các lĩnh vực dễ dàng truy cập internet khiến bất bình đẳng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, giữa các hộ gia đình có tình trạng kinh tế, xã hội khác nhau, giữa khu vực nông thôn và thành thị gia tăng.
Đồng thời, việc chuyển sang làm việc trong môi trường trực tuyến cũng làm nảy sinh những vấn đề về điều kiện làm việc khi làm việc tại nhà, đặc biệt là mối lo ngại khi ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân bị xóa nhòa và nhu cầu chăm sóc con cái tăng lên. Hơn nữa, việc chuyển sang làm việc tại nhà cũng có khả năng làm suy yếu sự gắn kết xã hội vì từ trước đến nay, nơi làm việc luôn đóng vai trò quan trọng, là nơi để con người giao lưu với nhau.
Mặt khác, cuộc khủng hoảng COVID-19 càng làm rõ hơn nữa tình trạng dễ bị tổn thương của lao động di cư. Nhiều lao động di cư đã bị chấm dứt công việc bị chấm dứt đột ngột mà không được trả lương hay chậm trả lương, đồng thời họ thường không được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội để bù đắp lại khoản thu nhập bị mất. Điều này làm trầm trọng thêm tác động của khủng hoảng ở cả nước tiếp nhận và nước phái cử lao động.
Do vậy, theo ILO, một công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm cần phải:
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và tạo việc làm năng suất bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng tạo việc làm thỏa đáng và hỗ trợ quá trình chuyển dịch đúng đắn, bình đẳng giới và thị trường lao động sôi động.
Hỗ trợ thu nhập hộ gia đình và chuyển dịch thị trường lao động, đặc biệt là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng, thông qua những chính sách thị trường lao động chủ động, dịch vụ việc làm công và các dịch vụ chăm sóc công chất lượng cao.
Củng cố những nền tảng thiết chế cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và có sức chống chịu tốt.
Tham gia đối thoại xã hội nhằm xây dựng và đảm bảo thực hiện hiệu quả các chiến lược phục hồi lấy con người làm trung tâm.
Nhã Mi
Doanh nghiệp và Tiếp thị