31 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer sẽ về Việt Nam từ quí 3
Hoàng Thắng
(KTSG Online) – Pfizer cam kết chuyển 15,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam trong quí 3-2021 và số lượng tương đương trong quí 4, còn AstraZeneca và Covax cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều cho nước ta, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.
120 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 nhập về Việt Nam từ những nguồn nào?
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chia sẻ tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021, ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam cơ bản đã tiếp cận với việc nhập khẩu 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 – đủ để tiêm phòng cho ít nhất 70% người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, Việt Nam phải chấp nhận việc doanh nghiệp giao hàng không đúng tiến độ.
Lý giải điều này, ông Cường cho biết Việt Nam là quốc kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, vì vậy không nằm trong nhóm quốc gia được ưu tiên cung ứng vaccine phòng Covid-19.
“Có trường hợp nhà phân phối chấp nhận chuyển hàng cho chúng ta, nhưng mấy ngày trước khi chuyển hàng họ lại chuyển cho Lào, Campuchia nên chúng ta chỉ được nhận một nửa số lượng vaccine. Nhưng phải chấp nhận do việc cung ứng phục thuộc vào tình hình dịch bệnh ở các quốc gia”, ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, vaccine phòng Covid-19 sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn từ tháng 8-2021.
Cụ thể, Pfizer cam kết chuyển 15,5 triệu liều trong quí 3-2021 và một số lượng tương đương trong quí 4. Còn AstraZeneca và Covax cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều cho Việt Nam.
Đáng chú ý, Nga cũng cam kết dành cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik V.
Nhưng ông Cường cũng lưu ý việc Việt Nam phải ký cam kết và thoả thuận miễn trách nhiệm với nhà sản xuất, nếu phát sinh sự cố trong quá trình sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Lý giải điều này, Thứ trưởng Cường cho biết việc nhập khẩu vaccine được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp, nên có một số đặc thù. Cụ thể, chất lượng vaccine phòng Covid-19 cần theo dõi thêm do đây không phải loại vaccine được nghiên cứu và sản xuất nhiều năm, dù nhà sản xuất đã có sự bảo đảm về chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, điều kiện bảo quản vaccine rất ngặt nghèo - ở môi trường âm 75 độ C. Việc nhập khẩu vaccine cũng xuất hiện tình trạng thiếu hồ sơ, có những yếu tố chưa kiểm định được.
Còn việc kiểm soát chất lượng vaccine của Việt Nam phải chấp thuận theo các tiêu chuẩn do WHO, hoặc Cục quản lý dược của Mỹ, Nga, châu Âu đưa ra.
Theo Thứ trưởng Cường, cách tốt nhất để kiểm soát chất lượng vaccine là mua trực tiếp sản phẩm từ các nhà sản xuất, không qua các công ty trung gian.
Về cơ chế nhập khẩu vaccine phòng Covid-19, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết Chính phủ có chủ chương khuyến khích và tạo điều kiện cho địa phương, doanh nghiệp có nguồn và đủ điều kiện nhập khẩu vaccine.
“Có hai cách tham gia là huy động đóng góp bằng tiền cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 và nhập khẩu vaccine từ nguồn đáng tin cậy”, ông Cường nói.
Ông Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết quỹ vaccine phòng Covid-19 tại Bộ này có số dư khoảng 104 tỉ đồng. Ngoài ra, Bộ Y tế đã tiếp nhận tài trợ khoảng 1.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp thuộc quản lý của Ủy ban đã cam kết ủng hộ khoảng 2.000 tỉ đồng, theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn.
Ông Tuấn cũng cho biết sắp tới sẽ có những hình thức quyên góp, ủng hộ thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đóng góp.
Về việc bảo đảm an toàn tại các khu công nghiệp, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt và có chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ở các khu công nghiệp.
"Chúng tôi đã phân bổ Bắc Ninh, Bắc Giang mỗi tỉnh 150.000 liều vaccine. Bộ Y tế cũng chỉ đạo CDC các tỉnh để quan tâm phòng chống dịch tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, tránh cách ly đông nghiệp, gây lây nhiễm chéo”, ông Cường nói.
Với TPHCM, ông Cường cho biết chính quyền thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly và tiêm vaccine cho công nhân để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao.
"Tôi hi vọng dịch Covid-19 ở TPHCM sẽ được kiểm soát, giúp địa phương này thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng dịch, vừa đảm bảo sản xuất – kinh doanh”, ông Cường nói.
Xem thêm: lmth.3-iuq-ut-man-teiv-ev-es-rezifp-auc-91-divoc-eniccav-ueil-ueirt-13/520713/nv.semitnogiaseht.www