Hãng AFP đưa tin các đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 3-6 đã đến Myanmar để hội đàm với lãnh đạo chính quyền quân sự nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.
Ông Erywan Pehin Yusof – bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei - và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã đến thủ đô Naypwidaw vào cuối ngày 3-6, một quan chức cấp cao của Myanmar cho biết.
Thống tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: AFP
Các đặc phái viên dự kiến sẽ gặp Thống tướng Min Aung Hlaing vào sáng 4-6, AFP dẫn lời quan chức Myanmar cho biết, song không cung cấp thêm chi tiết.
Đơn vị truyền thông của quân đội Myanmar hôm 3-6 nói với báo giới rằng họ sẽ sớm "tiết lộ" thêm thông tin về các cuộc họp.
Theo AFP, ASEAN đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar, song các nhà quan sát đã đặt câu hỏi rằng liệu ASEAN có thể tác động đến các sự kiện tại quốc gia Đông Nam Á này hiệu quả đến đâu.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh của Myanmar, ASEAN được cho là đang nỗ lực hình thành một mặt trận thống nhất.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các đặc phái viên ASEAN có gặp các thành viên của “Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG)” - liên minh gồm những nghị sĩ của chính phủ dân sự trước chính biến, thành viên các nhóm vũ trang thiểu số và những nhân vật trong phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự - hay không.
Chính quyền quân sự Myanmar đã liệt NUG vào “danh sách khủng bố” với cáo buộc gây ra các vụ đánh bom, đốt phá. Điều này đồng nghĩa rằng bất kỳ ai tiếp xúc với họ - kể cả các nhà báo - đều có thể bị buộc tội theo luật chống khủng bố của nước này.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước hôm 3-6, ông Hlaing đã lặp lại cáo buộc rằng NUG là một nhóm "khủng bố".
Trước đó, ông Hlaing cùng lãnh đạo các nước ASEAN hồi tháng 4 đã tổ chức phiên họp đặc biệt về tình hình Myanmar, theo đó thống nhất năm điểm về Myanmar gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa “tất cả các bên liên quan”, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.
Bên lề phiên họp đặc biệt trên, đặc sứ Liên Hợp Quốc Chrisrine Schraner Burgener đã có cuộc gặp kéo dài một tiếng với tướng Hlaing.
Bà Burgener cho biết tướng Hlaing cho biết ông sẽ xem xét năm điểm đồng thuận khi tình hình Myanmar ổn định.
Hôm 23-5, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Trung Quốc, ông Hlaing cho biết “ông không thấy năm điểm đồng thuận này có thể được thực hiện”.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn và nền kinh tế nước này bị tê liệt kể từ cuộc chính biến hồi tháng 2.
Theo một nhóm quan sát, hơn 800 người đã thiệt mạng khi quân đội Myanmar tiến hành nhiều biện pháp mạnh để đối phó người biểu tình phản đối chính biến.