Máy bay huấn luyện T-6 trong biên chế không quân Mỹ - Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
"Một trong những điểm nổi bật nhất trong hợp tác giữa không quân Mỹ và Việt Nam có lẽ là máy bay T-6, loại máy bay huấn luyện Việt Nam sẽ mua", tướng Wilsbach trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online trong cuộc họp báo qua điện thoại sáng 4-6.
Tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương giải thích lý do Việt Nam quan tâm máy bay T-6 là để "cải thiện chương trình đào tạo phi công".
"Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ chuyển giao và đưa máy bay vào hoạt động, giúp không quân Việt Nam tăng cường năng lực đào tạo phi công", tướng Wilsbach khẳng định.
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ bán bao nhiêu máy bay huấn luyện T-6 cho Việt Nam. Hồi tháng 2 vừa qua, không quân Mỹ đã gọi thầu cung cấp 3 máy bay huấn luyện cho không quân Việt Nam, theo chuyên trang quốc phòng Janes.
Không quân Mỹ cũng gọi thầu "trọn gói" các dịch vụ hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng máy bay và xây dựng chương trình mô phỏng huấn luyện phi công hiện đại.
Về mối quan hệ giữa không quân Việt Nam và Mỹ, tướng Wilsbach nhận xét mối quan hệ "tốt" nhưng phần lớn các trao đổi hiện nay diễn ra qua mạng do đại dịch COVID-19.
Một hội nghị tư lệnh không quân các quốc gia Thái Bình Dương dự kiến tổ chức trong mùa hè này với sự tham gia của sĩ quan đến từ 22 nước.
Tướng Wilsbach bày tỏ hi vọng sẽ gặp gỡ các tướng lĩnh Việt Nam trong hội nghị này để "thúc đẩy quan hệ và tạo ra những cơ hội gắn kết khác".
Mỹ đã đào tạo một số phi công của không quân Việt Nam trên máy bay huấn luyện T-6.
Năm 2019, thượng úy Đặng Đức Toại là phi công đầu tiên tốt nghiệp khóa huấn luyện trên máy bay T-6 trong khuôn khổ Chương trình lãnh đạo hàng không của không quân Mỹ.
T-6 là dòng máy bay cánh quạt do Hãng Raytheon chế tạo và ra mắt lần đầu năm 2000. Loại máy bay này được sử dụng cho mục đích huấn luyện sơ cấp và trung cấp trong không quân Mỹ.
Dòng máy bay T-6 có nhiều phiên bản, trong đó T-6A Texan II được dùng cho mục đích huấn luyện.
Một số phiên bản xuất khẩu có các điểm gắn vũ khí trên cánh giúp T-6 giữ vai trò như cường kích hạng nhẹ. Hiện có trên một chục nước đang sử dụng máy bay T-6, trong đó phần lớn là phiên bản T-6A.
TTO - Chia sẻ tại buổi lễ tốt nghiệp, thượng úy Đặng Đức Toại - phi công Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của Mỹ, bày tỏ mong mỏi sớm trở về, giúp đỡ huấn luyện cho đồng đội.
Xem thêm: mth.19091530140601202-6-t-us-nauq-neyul-nauh-yab-yam-aum-man-teiv-ym-gnout-iad/nv.ertiout