vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng số phục vụ đa dạng nhu cầu tài chính mùa dịch

2021-06-05 09:10

“Bùng nổ” ngân hàng số trong mùa dịch

Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Khảo sát của Visa cho thấy, người Việt Nam dành 3,1 giờ trực tuyến mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, con số đó đã tăng vọt lên 4,2 giờ một ngày vào lúc cao điểm. Đó cũng là lí do, các doanh nghiệp Việt hiện cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Ngành Ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chỉ trong hơn 1 năm qua đã có khoảng 94% ngân hàng triển khai chiến lược chuyển đổi số để hình thành hệ sinh thái thanh toán số. Điển hình, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số LienViet24h trên cơ sở hợp nhất các nền tảng online, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile, với sự đồng nhất tất cả trải nghiệm, giao diện và tính năng ở mọi nền tảng máy tính, thiết bị di động với tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chia sẻ về chuyển đổi số, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, chiến lược số hóa được Ngân hàng thực hiện từ năm 2016 và bắt đầu có hiệu quả. VPBank sẽ số hóa thông qua việc tự động hóa, robot hóa…, giúp giảm chi phí vận hành, từ đó giảm nhân sự có chọn lọc. Dự kiến, 70% khách hàng đến từ kênh digital.

Cũng trong thời gian này, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khẳng định, sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin, phấn đấu thực hiện mục tiêu “số 1 về nền tảng số, nằm trong Top 3 ngân hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam”. Đại diện lãnh đạo ngân hàng này cho biết, sẽ ứng dụng Robotics cho các quy trình lõi; thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trên các nền tảng số, với tốc độ tăng trưởng gấp 2 - 3 lần so với năm 2020, hoàn thiện App MB và Biz MB...

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết sẽ nỗ lực duy trì vị thế ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam. Trong năm 2021, ngân hàng sẽ triển khai với tiến độ 5 robot/tuần, dự kiến có 140 robot trong cả năm. Việc TPBank đi theo hướng ngân hàng số đã giúp ngân hàng thay thế việc mở rộng nhiều chi nhánh truyền thống, đưa trải nghiệm mới cho khách hàng. TPBank cũng đang tiếp tục phát triển về hạ tầng, mua các giải pháp từ đối tác nước ngoài, sẽ ứng dụng các chatbot để thay thế nhân viên trực tổng đài, triển khai các giải pháp số hóa với khách hàng doanh nghiệp…

ngan hang so phuc vu da dang nhu cau tai chinh mua dich

Tăng trải nghiệm, thêm nhiều tiện ích

Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng dịch vụ và tiện ích cho khách hàng khi sử dụng ngân hàng số cũng được nhiều ngân hàng quan tâm, đặc biệt là các nhu cầu tài chính cấp thiết của người dân trong mùa dịch COVID-19 như dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, vay vốn…

Tính đến hết quý I/2021 thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR code tăng cả về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020, có mức tăng lên đến gần 150%. Chi phí sử dụng dịch vụ thanh toán người dân phải trả cũng tăng nhiều hơn. Vì vậy, trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đã miễn các loại phí giao dịch khi thanh toán trực tuyến.

Đơn cử, từ ngày 1/6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo sẽ tiếp tục khai chính sách miễn phí dịch vụ chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Agribank, áp dụng trên các kênh thanh toán trực tuyến. Các ngân hàng khác trong nhóm “Big4” là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đều triển khai các chính sách miễn phí giao dịch hoặc phí 0 đồng khi khách hàng đăng ký gói dịch vụ.

Ngoài ra, các ngân hàng tư nhân cũng triển khai miễn phí dịch vụ chuyển tiền trong và ngoài hệ thống như MB, TPBank, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)…

Không chỉ miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến, nhiều ngân hàng còn triển khai nhiều gói vay trực tuyến với lãi suất ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính cho khách hàng. Đơn cử, VP Bank đã triển khai gói vay tiêu dùng trực tuyến không tài sản đảm bảo với cam kết đăng ký vay 5 phút, giải ngân 1 phút không hồ sơ, giấy tờ, hạn mức vay từ 10 - 100 triệu với kỳ hạn vay từ 6 tháng - 60 tháng, lãi suất dao động từ 15.99% / năm.

Các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng cũng sẽ được tăng cường giải ngân qua kênh số hoá trong thời gian tới. Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, các quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động. Đến năm 2025, tỷ lệ giải ngân này phải đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất đến công việc và thu nhập của người dân. Để vượt qua khó khăn trước mắt, tiết kiệm ngân hàng là một giải pháp để người dân yên tâm về quỹ tài chính. Vì vậy, các ngân hàng đã mạnh tay gia tăng thêm nhiều tiện ích cho dịch vụ này.

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) khách hàng gửi tiết kiệm online với mức chênh lệch cao hơn tại quầy từ 0,05 - 0,8 điểm %. Lãi suất gửi tiết kiệm online cao nhất là 6,8%/năm kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Hay, với ứng dụng PV Mobile Banking của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến sẽ được nhận ưu đãi thêm 0.3%/năm so với việc gửi trực tiếp tại quầy, được miễn phí tư vấn trực tuyến những kế hoạch tiết kiệm tối ưu với mức lãi suất tốt nhất.

Với nhiều dịch vụ, tiện ích nêu trên, ngân hàng số đang ngày càng đáp ứng được đa dạng nhu cầu tài chính của người dân trong mùa dịch COVID-19. Qua đó, các ngân hàng đã luôn đồng hành và hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn theo đúng tinh thần của Chính Phủ và NHNN, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thời báo Ngân hàng

Xem thêm: 824554VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngân hàng số phục vụ đa dạng nhu cầu tài chính mùa dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools