Nhu cầu về vật tư y tế và dược phẩm trên toàn cầu tăng vọt trong đại dịch Covid-19 đã giúp đưa các ông trùm về chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc vào danh sách những người giàu nhất thế giới của Tạp chí Forbes.
Chiếm vị trí đầu bảng
Theo Market Watch, từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc, bao gồm hầu hết các loại khẩu trang, đạt tổng giá trị 151 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước đó. Các lô hàng thiết bị y tế của Trung Quốc cũng tăng 38% trong tháng 11-2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Người giàu nhất thế giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm nay theo danh sách tỉ phú của Tạp chí Forbes là ông Jiang Rensheng - Chủ tịch Công ty Chongqing Zhifei Biological Products về vắc-xin ngừa dịch Covid-19. Ông Jiang cũng là tỉ phú về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có tài sản tăng mạnh nhất trong năm nay, với mức tăng lên đến 221%. Tổng tài sản của ông và gia đình trị giá khoảng 24,4 tỉ USD.
Tỉ phú Li Jianquan Ảnh: EY
Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã tạo ra cơn sốt máy thở, từ đó đẩy cổ phiếu của nhà sản xuất máy thở có trụ sở tại TP Thâm Quyến - Trung Quốc là Mindray Bio-Medical Electronic tăng 40% trong năm 2020.
Tài sản của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Mindray, ông Li Xiting (quốc tịch Singapore), theo đó cũng tăng gần gấp đôi trong năm qua, lên 21,5 tỉ USD, giúp ông trở thành người giàu thứ 2 thế giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Cụ thể, vào tháng 3-2020, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp máy thở của Mindray, góp phần đưa công ty này nhanh chóng thâm nhập thị trường Mỹ. Đến tháng 4-2020, thời điểm ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở châu Âu, Mindray tiếp tục nhận hàng loạt đơn đặt hàng từ châu lục này sau khi Ý đặt mua lô hàng đầu tiên gần 10.000 thiết bị bao gồm máy thở và màn hình theo dõi, theo Forbes.
Ông Li đã sát cánh với các nhân viên tuyến đầu của Công ty Mindray vào ngày 26-1-2020 khi TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bắt đầu phong tỏa. Tỉ phú 70 tuổi kể lại với tờ South China Morning Post: "Để bù đắp nhân lực khi nhiều công nhân không thể đến nhà máy trong thời gian đại dịch bùng phát, các nhân viên văn phòng - bao gồm thư ký và quản lý - đều vào cuộc, chẳng hạn dán nhãn sản phẩm".
Mindray khi đó đã cung cấp và lắp đặt 1.800 máy thở trong vòng 12 giờ cho Hỏa Thần Sơn - bệnh viện dã chiến 1.000 giường được xây dựng trong vòng 10 ngày ở Vũ Hán.
Không có gì là không thể
Người phụ nữ giàu nhất thế giới trong lĩnh vực y tế cũng đến từ Trung Quốc - đó là bà Zhong Huijuan, 60 tuổi, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Dược phẩm Hansoh Pharmaceutical. Với khối tài sản 19,7 tỉ USD, bà Zhong đồng thời là một trong những phụ nữ giàu nhất thế giới.
Trong khi đó, chồng bà Zhong là ông Sun Piaoyang cũng là tỉ phú về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc và đứng vị trí thứ 5 trong danh sách của Tạp chí Forbes về mảng y tế, với giá trị tài sản lên đến 18,9 tỉ USD.
Ông Sun là cổ đông chính và là giám đốc điều hành của Tập đoàn Dược phẩm Jiangsu Hengrui Medicine. Cổ phiếu của tập đoàn này đã tăng hơn 7% kể từ năm ngoái khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới.
Tỉ phú Li Xiting Ảnh: SCMP
Một trong những tỉ phú gây ấn tượng nhất trong giai đoạn dịch Covid-19 lần đầu bùng phát trên toàn cầu phải kể đến ông Li Jianquan, Chủ tịch Công ty Winner Medical (Trung Quốc) - chuyên sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế. Ông đồng thời là người giàu nhất trong số các tỉ phú mới góp mặt trong danh sách của Forbes, với khối tài sản ước tính 6,8 tỉ USD.
Thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ thiết bị bảo hộ y tế tăng đột biến, đặc biệt là khi lực lượng y tế đổ về hỗ trợ tâm dịch Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung.
Tại thời điểm đó, Winner Medical tiếp tục vận hành dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng dù công tác vận chuyển và nhập nguyên liệu thô gặp nhiều khó khăn do lệnh phong tỏa. Ông Li cho rằng với một doanh nghiệp Hồ Bắc như Winner Medical, nếu không tiên phong giúp đỡ địa phương thì còn ai sẵn sàng làm điều đó.
Khi đó, tất cả nhân viên trong công xưởng sản xuất khẩu trang của Winner Medical đều quyết định ở lại nhà máy, không về nhà vào dịp Tết nguyên đán và các lễ hội mùa xuân. Chỉ 1 tháng sau khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 1-2020, Winner Medical đã cung cấp khoảng 108,9 triệu khẩu trang và 114.000 bộ quần áo bảo hộ y tế.
Đến ngày 14-4-2020, chính quyền Thâm Quyến tiếp nhận 1,5 triệu khẩu trang của Winner Medical gửi đi hỗ trợ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và 37 thành phố trên toàn cầu. Động thái này mở đường cho Winner Medical xuất khẩu 210 triệu khẩu trang và 950.000 bộ quần áo bảo hộ trên toàn thế giới tính đến cuối tháng 5 năm ngoái và hiện các sản phẩm của công ty này được bán tại hơn 40.000 hiệu thuốc trên khắp Trung Quốc và ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, cho đến nay, không ai trong số gần 8.000 nhân viên của Winner Medical mắc Covid-19.
Điểm nóng Covid-19 hút FDI
Dù là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới do dịch Covid-19, Ấn Độ vẫn ghi nhận thêm 40 gương mặt tỉ phú mới hồi năm ngoái, nâng tổng số tỉ phú tại nước này lên 177 người. Ông Mukesh Ambani tiếp tục là người Ấn Độ giàu nhất với tài sản ròng trị giá 83 tỉ USD. Người đứng đầu Tập đoàn Reliance Industries này trở thành người giàu thứ 8 thế giới sau khi tài sản tăng đến 24% trong năm qua, theo danh sách người giàu toàn cầu Hurun.
Ít nhất 34% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong tài khóa 2021 vào Ấn Độ đến từ việc giới đầu tư toàn cầu rót vốn vào Reliance Industries - tập đoàn đa ngành nghề trong các lĩnh vực hóa dầu, dầu khí, viễn thông và bán lẻ... - của tỉ phú Ambani.
Ngành công nghệ tại Ấn Độ đang phát triển mạnh bởi các doanh nghiệp đẩy mạnh số hóa trong bối cảnh dịch bệnh. Trong khi đó, ông Mithun V Thanks, Giám đốc tại Công ty Luật Shardul Amarchand Mangaldas & Co, dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục hút FDI mạnh trong vài năm nữa khi quốc gia này tập trung thích nghi và tích hợp công nghệ.
Xem thêm: nhc.31304004160601202-hcid-iad-auig-oc-ioht-pohc-91-divoc-ioht-uhp-it/nv.fefac