Chỉ với 15 nhân sự, Công ty Cổ phần Cbot Việt Nam liên tiếp ghi nhận doanh thu hàng chục nghìn tỉ mỗi năm. Cbot Việt Nam có ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.
Điểm qua các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thể thấy số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu vài nghìn tỉ/năm đã là khá hiếm, còn doanh thu cỡ hàng chục nghìn tỉ/năm thì chỉ xuất hiện ở một số "ông lớn" quen mặt, danh tiếng và đầu ngành như Vietjet Air, Ôtô Trường Hải, Sabeco... hoặc các ngân hàng với số lượng nhân sự cả nghìn người.
Tuy nhiên, khá bất ngờ khi một doanh nghiệp như Cbot Việt Nam cũng đạt được con số ấn tượng này, càng đặc biệt hơn khi cơ cấu nhân sự của Công ty chỉ vỏn vẹn 15 người.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cbot Việt Nam được thành lập ngày 9.7.2014, từ 3 cổ đông là ông Bùi Anh Tuấn (sở hữu 87,3%), bà Nguyễn Thị Ngọc Mai và bà Lê Thị Lý sở hữu gần 13% vốn còn lại. Vốn điều lệ ban đầu là 40 tỉ đồng.
Đến năm 2019, vốn điều lệ của Cbot Việt Nam tăng gấp 10 lần lên 400 tỉ đồng, bên cạnh đó ông Tuấn giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 40%, 2 cổ đông sáng lập còn lại đã thoái toàn bộ vốn.
Hiện nay, ông Bùi Anh Tuấn đang là người đại diện pháp luật của CBOT Việt Nam.
Báo cáo tài chính giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, kể từ khi quy mô vốn ít ỏi, doanh thu của Cbot Việt Nam đã đạt hàng nghìn tỉ đồng. Cụ thể, năm 2016, doanh nghiệp ghi nhận 4.871 tỉ đồng doanh số và tăng mạnh lên 16.317 tỉ đồng vào cuối năm 2019. Năm 2020, doanh thu của Cbot Việt Nam đi xuống nhưng vẫn đạt 15.761 tỉ đồng.
Đáng nói, Cbot Việt Nam chỉ mất hơn 2 năm sau khi thành lập để cán mốc doanh thu 4.871 tỉ đồng. Trong khi đó, 3 năm đầu được coi là giai đoạn rất khó khăn đối với một doanh nghiệp mới thành lập. Theo các chuyên gia tại Viện Kế toán - Kiểm toán trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong giai đoạn mới thành lập, hoạt động kinh doanh mới chỉ bắt đầu, doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường nên tiền thu từ bán hàng khó có thể nhiều.
Mặc dù doanh thu “khủng” nhưng Cbot Việt Nam vẫn chìm trong lỗ 3 năm liên tiếp (2016-2018), từ -8 tỉ đồng lên hơn -55 tỉ đồng.
Chỉ đến năm 2019, doanh nghiệp mới ghi nhận lợi nhuận dương trở lại những cũng chỉ ở mức 3,15 tỉ đồng - rất nhỏ bé so với quy mô doanh thu doanh thu 16.317 tỉ đồng. Năm 2020, lãi sau thuế của Cbot Việt Nam đạt hơn 4 tỉ đồng trong khi doanh thu là 15.761 tỉ đồng.
Ở khía cạnh này, Cbot Việt Nam có nét tương đồng với 2 "siêu công ty" bán buôn nông, lâm sản trong câu lạc bộ nghìn tỉ mà Lao Động từng đề cập là Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàn Kiếm và Công ty Cổ phần Thương mại Thịnh Phát: Doanh thu khủng, giá vốn cao (chiếm 98-99% doanh thu), lợi nhuận rất mỏng.
Theo chuyên gia thuế, ngành bán buôn nông, lâm sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ khai khống giá vốn để trốn thuế do trong quá trình thu mua, người nông dân hầu như không xuất hóa đơn.
Với quy mô tài sản xấp xỉ 6.000 tỉ vào năm 2018, 2019 và lên tới hơn 7.000 tỉ đồng năm 2020, vốn chủ sở hữu của Cbot Việt Nam chỉ hơn 100 tỉ đồng, tăng mạnh nhất vào năm 2019 với gần 400 tỉ đồng. Điều này cũng có nghĩa, Cbot đang dựa gần như hoàn toàn vào vốn vay bên ngoài, với khoản nợ phải trả lên đến 6.752 tỉ đồng tại ngày 31.12.2020.
Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền cho hoạt động kinh doanh của Cbot âm liên tiếp 5 năm nay (2016-2020). Trong đó, năm 2020, Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Cbot Việt Nam âm hơn 936 tỉ đồng.
Xem thêm: odl.956619-tov-tohc-uht-hnaod-oet-oel-us-nahn-it-nagn-yt-gnoc-ueis-cac-na-ib/et-hnik/nv.gnodoal