Nguồn vốn của Agribank không chỉ giúp khôi phục, phát triển nghề truyền thống cho người dân xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội, mà còn tạo ra những nghệ nhân - doanh nhân thành đạt; giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn, giữ ổn định trật tự, an toàn xã hội, thậm chí đưa tên tuổi Thanh Thùy vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam.
Làm giàu ngay tại quê hương
Không biết từ khi nào, biệt danh “Đất trăm nghề” đã gắn liền với Thanh Oai nói chung và Thanh Thùy nói riêng. Chỉ biết rằng, “từ khi còn rất bé, tiếng đục đẽo, tiếng va chạm, cắt gọt của kim loại; hình ảnh hối hả của mẹ khi sắp xếp hàng hóa và hình ảnh của cha nhễ nhại mồ hôi khi nắn nót từng đường chạm, khắc gỗ… đã ăn sâu vào tâm trí lũ trẻ con như tôi. Và cứ thế cùng tôi lớn lên, trở thành khát khao, đam mê cống hiến” - nghệ nhân Nguyễn Đức Duy (sinh năm 1979, ở làng nghề Dư Dụ, xã Thanh Thùy) bắt đầu câu chuyện.
Anh Duy cho biết thêm, trước đây, đồ nghề của cha ông để lại là cưa, đục, tràng, móng và những kinh nghiệm truyền miệng, kỹ năng điêu khắc được rèn luyện qua mỗi sản phẩm chế tác hàng ngày… thì nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh đã chuyển những tài sản vô giá này thành những bản thiết kế trên không gian 4D, có thể lưu giữ suốt đời một cách chính xác, trọn vẹn. Tuy nhiên, mỗi chiếc máy chạm khắc công nghệ cao như thế có giá không nhỏ, ít nhất 1 - 1,2 tỷ đồng; chưa kể, mỗi khối gỗ nguyên liệu cũng hàng trăm triệu đồng… "Nếu không có sự hỗ trợ của nguồn vốn Agribank, không chỉ tôi mà tất cả người làng Dư Dụ dù tài hoa đến đâu cũng không thể làm nổi những đơn hàng trong nước, chứ đừng nói đến xuất khẩu" - anh Duy nhấn mạnh.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Biên ở làng Rùa Hạ, xã Thanh Thùy cũng đi lên bằng chính nghề cha truyền con nối. Bằng sự đam mê, sáng tạo và năng động của tuổi trẻ, anh Biên đã dẫn dắt cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình trở thành Công ty TNHH Cơ khí Thiên Phú với hàng trăm máy móc lớn nhỏ; sản xuất, gia công cơ khí chính xác các sản phẩm kim khí, phân khối khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu… mang lại nguồn thu nhập hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Anh Biên cho hay, cái may mắn nhất của thế hệ trẻ làng Rùa Hạ nói riêng và xã Thanh Thùy nói chung là được sống, cống hiến và làm giàu ngay tại quê hương. “Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khó lường, sự cạnh tranh gay gắt khi đất nước hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới, chúng tôi vẫn được an toàn sản xuất; sản phẩm làm ra vẫn lưu thông thuận lợi” - anh Biên nhấn mạnh.
Vươn ra thế giới
Điều đáng mừng là các sản phẩm điêu khắc tượng thủ công mỹ nghệ hay sản phẩm gia công cơ khí chính xác như linh kiện bếp gas, bình nước nóng, máy lọc nước, tủ lạnh, tủ đông công nghiệp, thiết bị công trình… của người dân Thanh Thùy không chỉ trụ vững ở thị trường trong nước với các đối tác lớn như Tân Á Đại Thành, Ferroli, Sơn Hà, Picenza, Komasu, Ariston, ToTo, Wacoh, Standa... mà còn được nhiều bạn hàng thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đặt hàng.
“Chúng tôi vừa nhận đơn hàng trị giá khoảng 130 tỷ đồng từ một đối tác đặc biệt chuyên bán hàng trên trang Amazon. Đây thực sự là cơ hội lớn với Thiên Phú nói riêng cũng như hàng chục hộ gia đình đang gia công cho công ty nói chung. Trong bối cảnh dịch bệnh và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm chuyển dịch xu hướng tìm kiếm đối tác mới của khách hàng, có rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước thay vì nhập thiết bị, linh kiện từ Trung Quốc đã tìm đến với làng nghề cơ khí Rùa Hạ” - anh Biên phấn khởi khoe.
Thực tế, với những đơn hàng như thế này, không chỉ là cơ hội cho Thiên Phú mà còn đem lại việc làm cho rất nhiều lao động khác trên địa bàn. Hiện tại, với diễn biến khó lường của dịch bệnh, 2 cơ sở sản xuất với trên 100 lao động của Thiên Phú vẫn làm việc 2 ca/ngày là điều vô cùng may mắn. Người lao động có việc làm, đời sống ổn định, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.
Không hề thua kém doanh nhân Nguyễn Văn Biên, nghệ nhân Nguyễn Đức Duy cũng mang các sản phẩm điêu khắc tượng Phật và đồ thủ công mỹ nghệ đến với các bạn hàng ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc... Mỗi tháng, doanh thu từ xuất khẩu tượng Phật ước khoảng trên 1 tỉ đồng, trừ chi phí, anh Duy còn lãi 300 triệu đồng. Quan trọng hơn, ngoài việc làm lợi cho gia đình, bản thân, nghệ nhân Nguyễn Đức Duy còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/người/tháng; đặc biệt là tham gia trực tiếp đào tạo nghề, giữ lửa cho nghề điêu khắc truyền thống.
Có thể thấy, điểm chung của các tỉ phú ở Thanh Thùy là đều khởi nghiệp tại quê hương bằng chính nghề cha truyền. Họ là những người trẻ tuổi nhưng đam mê, nhiệt huyết với công việc và dành cả thanh xuân tìm ra lối đi cho nghề truyền thống. Tính riêng doanh thu từ xuất khẩu các sản phẩm tượng Phật của Thanh Thùy đã lên tới 300 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, thành công hôm nay của họ không thể không kể đến sự đồng hành, sát cánh của Agribank, từ những ngày đầu lập nghiệp.
Xem thêm: odl.914819-ehgn-gnal-auc-uhp-it-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal