Khoảng trống nhiều năm
NSND Thúy Mùi chia sẻ, bà ấp ủ đề án này từ nhiều năm nay và mong muốn sự vào cuộc của các loại hình nghệ thuật để đưa sân khấu thiếu nhi trở thành một món ăn đa dạng, hấp dẫn trẻ nhỏ.
"Đó là cơ hội để chúng ta dành lại khán giả trẻ từ YouTube và mạng xã hội. Sân khấu cần tạo ra nhiều món ăn để cho các khán giả nhí lựa chọn và cần những lịch diễn định kỳ ở các tỉnh, thành".
Cần sự vào cuộc của các loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, rối... để phát triển sân khấu thiếu nhi. |
Theo NSND Thúy Mùi, một đề án Sân khấu Thiếu nhi sẽ được trình lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và một hội thảo quy mô lớn cũng sẽ diễn ra khi dịch bệnh được kiểm soát. Bà cũng chủ trương một cuộc thi viết kịch bản cho thiếu nhi để sân khấu thiếu nhi có một nguồn kịch bản đa dạng và sau cùng là liên hoan sân khấu thiếu nhi tổ chức định kỳ.
Khi được hỏi về tình trạng đắp chiếu của các vở diễn sau mỗi kỳ liên hoan, NSND Mùi lý giải, với sân khấu thiếu nhi không đáng lo ngại, điều đáng lo ngại là hiện nay chúng ta thiếu những kịch mục đa dạng để phục vụ các em, quanh đi quẩn lại chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ làm được điều đó, họ có sẵn một số kịch mục phục vụ thiếu nhi, nhất là vào mùa hè.
"Nhưng tôi muốn sân khấu đi vào đời sống của các em hơn nữa, không chỉ mùa hè mà có thể quanh năm, những ngày cuối tuần, những sinh hoạt ngoại khóa có thể đưa các em tiếp xúc với sân khấu, tương tác với thế giới thật, với những vui buồn có thật thay vì đắm mình trong YouTube hay mạng xã hội. Đó chính là một kênh giáo dục rất có giá trị".
Theo NSND Thúy Mùi, để thực hiện được đề án này trên toàn quốc, cần sự vào cuộc của tất cả các loại hình nghệ thuật, tuồng, chèo, múa rối, cải lương... "Tôi chú trọng dựng các vở kịch giới thiệu từng loại hình nghệ thuật cho các cháu, những ngày nghỉ, hè và học ngoại khóa, đến xem tại rạp. Đó chính là cách xây có gốc rễ, tôn trọng các giá trị tinh hoa và góp phần bảo tồn nó. Tôi tin, với cách làm này sẽ mang đến cho sân khấu một sức sống mới", bà nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ với quan điểm này, NSƯT Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói: "Nhà hát Tuổi trẻ nằm trong Hiệp hội Sân khấu dành cho thiếu nhi của thế giới, chúng tôi có nhiều cuộc giao lưu và thấy rõ một vấn đề, các nước đầu tư cho sân khấu trẻ em rất lớn. Tôi đến một nhà hát nổi tiếng của Nhật, họ mua bản quyền của Broadway, những vở diễn mà chúng ta xem xong đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, "Vua sư tử'', "Aladin và cây đèn thần"... đều rất biến ảo, kỳ diệu. Chúng ta cần sự vào cuộc của các nhà hát để tạo nên sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang tìm những hướng đi mới để sân khấu thiếu nhi không bị nhàm chán. Nhưng chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ vào cuộc chưa đủ mà cần nhiều nhà hát địa phương. Theo tôi, chúng ta phải nuôi dưỡng tình yêu và thói quen thưởng thức nghệ thuật từ nhỏ, nếu phát triển được sân chơi đó, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ có hiểu biết hơn, cân bằng mọi thứ trong đời sống chứ không quá nặng nề về toán, lý, hóa. Nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng giúp các em tư duy độc lập và phát huy trí tưởng tượng, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ mới".
Tiềm năng từ khán giả nhí
Thực tế hiện nay, nhiều nhà hát mặc định sân khấu thiếu nhi kén người xem, nên gần như bỏ trống. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có vài nhà hát tập trung vào sân khấu thiếu nhi, nhưng mang tính thời vụ. Ở thành phố Hồ Chí Minh, sân khấu thiếu nhi những năm 2016, 2017 sôi nổi thì hai năm gần đây rơi rụng dần, chỉ còn lại sân khấu idecaf với vở đình đám "Ngày xửa ngày xưa" liên tục cháy vé, với 35 suất diễn 1 tuần (trước dịch COVID-19).
Ông chủ Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ, chính vở diễn thiếu nhi này giúp nhà hát "nuôi" cả người lớn. Còn một vài sân khấu tư nhân thử nghiệm sân khấu thiếu nhi nhưng không hiệu quả nên cũng vội vàng đóng cửa. Ở Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ cũng có lịch diễn đều đặn với 200 suất diễn lớn nhỏ, trong đó khoảng 50 suất đi diễn các tỉnh, hằng năm đều có vở mới được sản xuất để phục vụ thiếu nhi. Vào dịp 1-6 năm nay, nhà hát đã dàn dựng xong một vở nhạc kịch cho thiếu nhi mang tên "Bầy chim thiên nga" hứa hẹn sẽ mang đến một món ăn mới cho khán giả nhí, nhưng dịch bệnh đã làm đình trệ mọi kế hoạch.
NSND Thúy Mùi khẳng định, sân khấu thiếu nhi là một "mỏ quặng" tiềm năng, chỉ do các nhà hát chưa kiên trì, bền bỉ theo đuổi mà thôi. Bà cho biết, Nhà hát Chèo nhiều năm qua làm sân khấu thiếu nhi và diễn rất tốt, sống nhờ vào 10 vở diễn cho thiếu nhi.
"Mỗi em đi xem kịch sẽ kéo theo cả gia đình, bạn bè, đó là một nguồn khán giả vô tận, nhất là những ngày hè. Chúng ta phải làm sân khấu hấp dẫn để kéo các em ra khỏi thế giới ảo, những kênh YouTube đang đầu độc tâm hồn trẻ thơ. Cái lợi về kinh tế có, nhưng không bằng những cái lợi về lâu dài, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Đó là một cách đào tạo khán giả lâu dài cho sân khấu, các em không bỗng dưng lên mà yêu sân khấu được, phải nuôi dưỡng tình yêu đó từ những ngày các em còn nhỏ. Đây là một vỉa quặng tiềm năng mà từ trước đến nay chúng ta không kiên trì theo đuổi, mới chỉ làm mang tính thời vụ. Đó là nguồn có thể xây dựng danh tiếng cho nghệ sĩ và thương hiệu cho nhà hát".
Vở nhạc kịch cho thiếu nhi “Trại hoa vàng” liên tục tạo cơn sốt phòng vé. |
NSƯT Ánh Tuyết, đạo diễn vở nhạc kịch "Bầy chim thiên nga'' cũng chia sẻ: "Đào tạo khán giả cho sân khấu phải bắt đầu từ đối tượng thiếu nhi, thiếu niên. Đó cũng là lý do tôi làm nhạc kịch cho thiếu nhi. Để có một thế hệ khán giả yêu nhạc kịch, nâng cao đời sống thưởng thức văn hóa văn nghệ ở Việt Nam, chúng ta nên đầu tư ngay từ khán giả nhí".
Năm ngoái, vở nhạc kịch đầu tay của chị, "Trại hoa vàng" thành công vang dội khi các đêm diễn liên tục cháy vé. Đó là một minh chứng cho sự hấp dẫn của sân khấu thiếu nhi nếu tác phẩm thực sự hay, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khán giả nhí. Nhưng nếu chỉ có một vài kịch mục chưa đủ, chị cho rằng, cần có nhiều nghệ sĩ đầu tư vào sân khấu thiếu nhi, coi đó là sự nghiệp của mình để tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn hơn phục vụ các em. Tuy nhiên, chị cũng khẳng định vai trò của phụ huynh đối với việc định hướng cho con nhỏ.
"Để thiếu nhi thích sân khấu, cần sự chung tay của bố mẹ. Nếu sân khấu thiếu nhi phát triển, có lịch diễn định kỳ, bố mẹ nên dành thời gian đưa các con đi xem, đó là cách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, để thế hệ trẻ hôm nay thoát khỏi những cạm bẫy của công nghệ, games... Bố mẹ, hơn ai hết cần hiểu được những giá trị của sân khấu đối với tâm hồn trẻ thơ và biết dành ưu tiên cho việc đưa con đến rạp", chị nói.
Khi được hỏi bài toán đầu ra cho sân khấu thiếu nhi ở các tỉnh, NSND Thúy Mùi cho rằng: "Trước khi trách khán giả thờ ơ, các đoàn nghệ thuật phải tự trách mình, nhiều năm qua chúng ta đã bỏ qua một đối tượng khán giả tiềm năng, sân khấu thiếu nhi không có kịch mục. Làm cho thiếu nhi càng đòi hỏi chất lượng cao chứ không dễ giải được. Đó là trách nhiệm của những người làm văn hóa, tạo ra các sản phảm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Chúng ta cần sự vào cuộc chung tay của toàn xã hội, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng để đào tạo khán giả trẻ cho sân khấu và sâu xa hơn, phát triển văn hóa, nâng cao thẩm mỹ văn hóa cho thế hệ trẻ".
Linh VânXem thêm: /972446-ert-aig-nahk-uig-cul-oN-ihn-ueiht-uahk-naS/na-gnoc-ehgn-nav-nad-neid/nv.moc.dnac.acnv