Dự kiến từ 28/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xử phúc thẩm trong ba ngày xét đơn kháng cáo của 3 bị cáo: Đinh Văn Dũng, Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn. Đây là vụ án liên quan cha con cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà song ông Hà đã chết trong thời gian tạm giam, con trai đang bị truy tìm.
Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chánh toà Kinh tế, làm chủ toạ phiên phúc thẩm. Gần 10 luật sư đăng ký tham gia bào chữa.
Trong đơn kháng cáo, Đinh Văn Dũng cho rằng không phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và mong cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ vụ án. Vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Sơn và Đoàn Hồng Dũng đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ và bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội để cân nhắc giảm nhẹ hình phạt.
Liên quan vụ án còn hai cựu phó tổng giám đốc BIDV và 6 cựu cán bộ BIDV nhưng tất cả không kháng cáo, chấp nhận hình phạt từ 36 tháng tù treo đến 8 năm tù giam.
Theo bản án sơ thẩm ra tháng 11/2020, Đinh Văn Dũng bị tuyên 12 năm tù, Đoàn Hồng Dũng 18 năm, Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm, cùng về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 điều 175 Bộ luật Hình sự.
Bản án xác định, để vay vốn tại chính ngân hàng do mình là Chủ tịch HĐQT, ông Trần Bắc Hà đã lập ra công ty sân sau là Bình Hà với dự án "vẽ" chăn nuôi bò quy mô 150.000 con một năm, tổng mức đầu tư 4.230 tỷ đồng. Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng nhưng BIDV Hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh dưới sự chỉ đạo của ông Hà đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định hoặc nới lỏng điều kiện.
Từ 2015 đến 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng song không kiểm soát được dòng tiền. Các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân, gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.
Ông Hà cũng có vai trò chính, là người chỉ đạo xuyên suốt trong hành vi cấp tín dụng và mở phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng. Năm 2011, Trung Dũng do làm ăn thua lỗ đã đề nghị BIDV tái cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng để mua bán thép và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng với số tiền hơn 22 triệu USD.
Trung Dũng không đáp ứng được các điều kiện song ông Hà đã gây áp lực để bốn bị can ở BIDV chi nhánh Hà Thành phê duyệt, giải ngân cho công ty này vay 700 tỷ đồng và mở phát hành L/C theo món. Trong 26 khoản giải ngân có 20 khoản không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo.
Sau khi giải ngân, nhóm cán bộ BIDV cũng không kiểm tra dòng tiền, tài sản đảm bảo để Trung Dũng sử dụng tiền không đúng mục đích, tự ý bán tài sản đảm bảo L/C. Hậu quả, BIDV bị thiệt hại hơn 864 tỷ đồng.
Về quan hệ dân sự giữa BIDV chi nhánh Hà Thành và công ty Trung Dũng, bản án xác định Trung Dũng phải trả nợ cho BIDV hơn 600 tỷ đồng và các khoản lãi phát sinh theo quy định. Số tiền này Trung Dũng đã sử dụng vào các hoạt động khác nhau của công ty nên buộc phải hoàn trả cho BIDV. Tài sản đảm bảo giữa hai bên đã giải quyết xong nên HĐXX không xem xét.
Với khoản tiền 263 tỷ đồng chiếm đoạt, toà buộc hai vợ chồng Đinh Văn Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn phải liên đới bồi thường cho BIDV.
Xem thêm: lmth.8852924-nao-uek-vdib-o-na-uv-gnort-oac-ib/ten.sserpxenv