Mới đây, bà được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng 2021. Đây là nhân vật mà Báo Công an TPHCM có bài viết nêu gương vào tháng 7-2017, thời điểm đó bà đã dạy bơi cho gần 2.000 em.
Một trong 20 người truyền cảm hứng
Theo tạp chí Forbes Việt Nam, bà Sáu Thia là người phụ nữ từng bán vé số kiếm sống nhưng đã dạy bơi miễn phí cho khoảng 3.800 trẻ em ở Đồng Tháp kể từ năm 1992 đến nay. Thời gian đầu, bà Thia tự đóng cọc, giăng lưới trên sông làm thành hồ bơi để dạy học. Dù cuộc sống khó khăn nhưng bà không nhận học phí khi các em nhỏ đến học bơi.
Đây là lần đầu tiên, Forbes Việt Nam tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh của mình để tạo ra những tác động tích cực, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.
Trước đây, bà Sáu Thia từng đạt giải thưởng KOVA ở hạng mục sống đẹp, tấm gương tiêu biểu trong xã hội. Bà cũng vinh dự trở thành đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu năm 2017 do hãng tin BBC bình chọn.
Như thường lệ, khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè đến cũng là lúc công việc dạy bơi cho trẻ nhỏ của bà Sáu Thia bắt đầu. Bà đi đến từng nhà các em có độ tuổi từ 7-15 tuổi mà chưa biết bơi để vận động phụ huynh đến lớp học bơi.
Trường hợp bà Lê Thị Hà (ngụ ấp 2A, xã Hưng Thạnh) một mình phải trông 3 đứa cháu từ 4-9 tuổi nên không có thời gian dạy bơi. Mặc dù biết ở quê sông nước nguy hiểm, nhưng vì mưu sinh nên cũng đành chịu. Thấy hoàn cảnh của gia đình đơn chiếc, bà Sáu Thia đã đến nhà vận động cho 2 cháu lớn đi học bơi hoàn toàn miễn phí.
Bà Hà vui vẻ chia sẻ: “Một mình tôi đơn chiếc, mấy cháu nhỏ không biết lội cũng sợ lắm. Nay được bà Sáu dạy bơi và đưa rước tận nhà mình thấy yên tâm lắm. Tôi thấy khó có người được tấm lòng như bà, dù hoàn cảnh còn lắm khó khăn”.
Nhờ tấm lòng yêu trẻ nên bà Thia luôn nhẫn nại, hướng dẫn từng động tác, thời gian dạy không giới hạn mà đến khi nào trẻ biết bơi thì khóa học mới kết thúc. Gần 30 năm dạy bơi, bà Sáu Thia đã dạy cho gần 4.000 trẻ em biết bơi để tự bảo vệ mình.
Em Trần Minh Tân (ngụ ấp 3, xã Hưng Thạnh) chia sẻ: “Ở quê mỗi khi mùa nước về em hay cùng các bạn trong xóm đi câu cá, bắt chuột, hái bông điên điển nhưng không biết bơi nên cũng rất sợ. Có cha dạy bơi nhưng dạy gần tháng cũng chưa bơi được nên em đã tham gia lớp dạy bơi của bà Sáu. Mới học khoảng một tuần là em biết bơi, bởi bà dạy kỹ từng động tác”.
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà Sáu Thia vẫn tiếp tục dạy bơi miễn phí cho trẻ và tham gia công tác xã hội địa phương. Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mỗi lớp dạy bơi của bà Sáu Thia giảm xuống dưới 10 em để đảm bảo an tòan. Bà Sáu Thia cho hay, dù sức khỏe yếu nhưng bà vẫn còn dạy bơi cho các cháu nhỏ, mỗi đứa là một hoàn cảnh khác nhau nhưng không biết bơi sẽ thiệt thòi và nguy cơ đuối nước rất cao khi mùa lũ về.
Không sợ đói nghèo, chỉ sợ trẻ đuối nước
Khi được hỏi vì sao không dành thời gian để phát triển kinh tế gia đình mà lại dồn hết cho việc dạy bơi không công và làm công tác xã hội? Bà Sáu Thia cười và nói: “Tôi không sợ nghèo, không sợ đói mà chỉ sợ trẻ em không biết bơi sẽ nguy hiểm. Tôi còn mạnh giỏi, còn dạy các cháu được thì cố gắng. Vật chất tôi không có, chứ tình thương của trẻ em, cô bác xóm giềng dành cho tôi rất là nhiều, đó là giàu quá đi chứ. Cống hiến cho xã hội được bao nhiêu thì nên bao nhiêu, làm gì được thì tôi cứ làm”.
Chia sẻ về việc làm đầy ý nghĩa của bà Sáu Thia, bà Nguyễn Thị Hạc (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tháp Mười) cho biết: “Mặc dù là tuổi cao nhưng cô Sáu đã có những hy sinh thầm lặng dạy cho các em biết bơi để tự bảo vệ mình. Những việc làm của cô rất là bình dị góp ít cho đời, cho xã hội. Gương của cô Thia đang rất được lan tỏa, nó là việc làm thường xuyên hàng ngày và đi sâu vào trong ý thức cộng đồng nhân dân”.
Bà Sáu Thia quê ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Gia đình bà có 9 thành viên, được 16 công ruộng, nhưng từ ngày cha mẹ mất bà bỏ xứ lên TT.Mỹ An, huyện Tháp Mười. Đến đây, bà làm đội trưởng đội bốc vác đá để thi công bệnh viện. Với “chức” này, mỗi tuần bà có nguồn thu nhập từ 1,5 – 2 triệu đồng. Làm được 3 năm, bà bỗng mất việc do lãnh đạo bệnh viện xảy ra sự cố khiến công trình ngưng thi công.
Sau đó bà lên xã Hưng Thạnh - vùng đất bốn bề là rừng tràm, sông nước. Thời điểm này nguồn sống của bà là tiền đốn tràm, nhổ cỏ, dặm lúa mướn. Để có chỗ ở, bà xin người dân mượn đất cất căn chòi. Thấy tính tình hiền lành, chịu khó nên bà được một lão nông nhận làm con nuôi, rồi cho đất cất nhà. Thời điểm đó, nhiều chàng trai ngỏ lời cưới nhưng bà đều từ chối để sống một mình.
Năm 1992, bà được xã vận động làm cán bộ phụ nữ ấp và mỗi tháng nhận được phụ cấp 200 ngàn đồng. Nguồn sống chỉ bấy nhiêu nên hàng ngày bà Thia ra đại lý lãnh 70 -100 tờ vé số bán. Đối với những tháng có hạt sen, hạt điều bà đều nhận về làm kiếm thêm thu nhập. Biết bơi lội giỏi nên cách nay gần 30 năm, xã triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em bà được đề cử làm “huấn luyện viên”.
Nói về những ngày đầu dạy bơi, bà Thia chia sẻ: “Lúc đầu xã mời mình cũng sợ lắm, bởi không biết bắt đầu từ đâu, dạy thế nào. Tuy nhiên nghĩ đến cảnh hết trẻ em tỉnh này đến nơi khác đuối nước thấy tội vô cùng, trong khi đó mình lại rất yêu mến các cháu. Sau khi nhận lời, tôi được đưa đi tập huấn hết 3 ngày trên huyện, rồi bắt tay vào dạy các cháu”.
Thời điểm đầu, mỗi khóa bơi được bà Thia huấn luyện chỉ tập trung ở 1-2 ấp, lượng học dao động ở mức 70 - 80 em. Sau một thời gian, nhiều phụ huynh thấy bà dạy hiệu quả nên đưa con đến học ngày một nhiều. Việc dạy bơi chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè và chuẩn bị tâm thế cho các em đi học an toàn trong mùa lũ. Mỗi buổi bơi diễn ra 1,5 giờ mỗi ngày và khóa học kéo dài trong 10 -15 ngày.
Địa điểm học là những kênh, sông trên địa bàn 5 ấp trong xã. Trước mỗi mùa bơi, bà Thia đem lưới lại cắm và cột dưới sông thành hồ bơi, bất chấp những ngày lạnh buốt. Mỗi chiếc hồ bơi có chiều ngang 4m, dài 8m, cao 2m. Hàng ngày, bà phải chạy xe gắn máy hàng cây số từ điểm nay qua điểm khác để dạy bơi cho học trò.
Nói về việc học trò ngày một đông, bà Thia cho biết: “Vào tay tôi là 5 ngày là trẻ biết bơi. Việc mình dạy mau là chỉ tụi nhỏ từng tư thế tay phải thẳng, cách đạp chân, cằm ngang mặt nước để nửa thân người sau không bị chìm. Ngoài ra phải đỡ từng cháu một và để trẻ tự bơi khi gần đến đích. Đối với những em bơi chậm mình chịu khó tập thêm nên có khi 6 giờ chiều mới về tới nhà”.
Xong mỗi mùa dạy bơi, bà được xã cấp hỗ trợ từ 1,5 – 2 triệu đồng, nhờ vậy mà có tiền đổ xăng. Thấy được tấm lòng của bà, nhiều phụ huynh gửi tiền nhưng bà nhất quyết từ chối. Bà Sáu Thia nói: “Tự mình đi vận động họ cho con học bơi để không bị đuối nước với điều kiện miễn phí mà cho tiền lấy coi sao được. Mình nhận dạy vì thương trẻ con, sợ các cháu bị đuối nước chứ không tính công”.
Ngoài làm “huấn luyện viên” bơi lội miệt vườn, bà Thia còn làm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, cộng tác viên dân số đã gần 15 năm nay. Mỗi lần thấy hoàn cảnh nào khó khăn bà đi vận động tiền cho họ cất nhà, gạo ăn.
Với những đóng góp của mình, năm 2020, bà Sáu Thia vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong dạy bơi miễn phí cho trẻ em và bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp vì đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2021.
Xem thêm: lmth.191411_ul-gnuv-me-ert-0004-ohc-iob-yad-oehgn-un-uhp-iougn/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc