à Trần Thị Kim Thia (63 tuổi; ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) tham gia dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ vùng sông nước ở miền Tây vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.
Bà Trần Thị Kim Thia được người dân gọi với cái tên trìu mến, thân thương là "bà Sáu Thia" (vì bà thứ sáu trong gia đình), bởi bà có tấm lòng hào hiệp, giúp ích cho xã hội.
Hằng ngày, bà bán đi bán vé số kiếm sống và nhiệt huyết dạy bơi miễn phí cho gần 4.000 trẻ em miệt sông nước ở miền Tây suốt 19 năm qua.
Bà Sáu Thia làm hồ bơi dã chiến dưới sông để dạy trẻ bơi
Thời gian đầu, bà Sáu Thia tự đóng cọc, quây lưới dưới mé sông làm thành hồ bơi dã chiến để dạy trẻ bơi. Bà tuyệt đối không nhận bất kỳ đồng tiền nào của phụ huynh và không phân biệt giàu, nghèo đều có thể đưa con đến học.
Sự cống hiến thầm lặng của người phụ nữ bán vé số có tinh thần vì xã hội được đền đáp xứng đáng.
Năm 2017, bà Sáu Thia đoạt giải thưởng KOVA - Tập đoàn Sơn KOVA, hạng mục sống đẹp, tấm gương tiêu biểu trong xã hội. Bà cũng vinh dự trở thành đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do hãng tin Anh BBC bình chọn.
Năm 2020, bà vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Một người bình thường trong xã hội mà được tôn vinh với nhiều thành tích cao đã khiến nhiều người ngưỡng mộ, thán phục.
Mới đây nhất, bà Sáu Thia tiếp tục gây bất ngờ khi Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Theo Tạp chí Forbes, đây là lần đầu tiên tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh của mình để tạo ra những tác động tích cực, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.
Suốt 19 năm qua, bà Sáu Thia được nhiều phụ huynh tin tưởng, quý mến gửi con cho bà dạy bơi. Lý giải vì sao bà lo "chuyện bao đồng", bà chỉ cười và nói: "Chứng kiến nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước qua truyền hình nên dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ vùng sông nước để xã hội không còn thấy cảnh trẻ em bị chết đuối thương tâm".
Trước khi xuống nước, bà hướng dẫn các em khởi động…
Bà Sáu Thia kể, quê bà ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Do nhà nghèo, ba mẹ bà lần lượt qua đời nên lúc 34 tuổi, bà tha hương đến xã Hưng Thạnh làm thuê kiếm sống. Người phụ nữ hơn một đời người dầm mưa dãi nắng làm việc nặng nhọc nên màu da sạm đen, sức vóc lực lưỡng như đàn ông.
Năm 1992, chính quyền xã Hưng Thạnh vận động bà Sáu Thia tham gia công tác Chi hội Phụ nữ ấp 4. Năm 2002, UBND xã triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, bà Sáu được mời làm "huấn luyện viên" dạy bơi cho hàng ngàn trẻ ở vùng sông nước. Bà Sáu Thia dù chỉ với kinh nghiệm dạy bơi "miệt vườn" nhưng "mát tay", những đứa trẻ được bà dạy rất nhanh biết bơi, nhanh nhất thì 5 ngày, chậm khoảng 10 ngày là "tốt nghiệp" bơi cấp tốc.
Tiếng lành đồn xa, suốt 19 năm thầm lặng, bà Sáu Thia được nhiều phụ huynh tin tưởng, quý mến gửi con học bơi.
Trung bình mỗi năm, bà dạy khoảng 8 lớp với khoảng 240 trẻ từ 7 - 15 tuổi. Thời gian mở lớp thường trong dịp hè, nước lũ sắp về. Mỗi buổi học khoảng 1 giờ rưỡi, kéo dài không quá 15 ngày. Ngoài khoản trợ cấp tiền xăng ít ỏi của chính quyền địa phương thì bà không nhận học phí của bất kỳ phụ huynh nào, cho dù họ "nhét túi" riêng để tỏ lòng cảm ơn.
"Tôi coi tivi thấy nhiều trường hợp trẻ chết đuối mà thương lắm nên muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để tự bảo vệ mình, chứ bản thân không vì mục địch nào khác"- bà Sáu Thia khiêm tốn.
Ngoài việc dạy bơi cho trẻ và tham gia công tác chi hội phụ nữ, nhiều năm qua, bà Sáu Thia còn tham gia Chi hội Hội Chữ thập đỏ ấp và cộng tác viên kế hoạch hóa dân số. Những cống hiến thầm lặng của bản thân có lẽ bà quên đi việc xây dựng hạnh phúc gia đình. "Tuy cuộc sống không có chồng, con nhưng bù lại, tôi dạy bơi cho hàng ngàn đứa trẻ như con, cháu ruột của mình đã cảm thấy vui và hạnh phúc lắm rồi" - bà Sáu Thia trải lòng.
Thời điểm có lịch dạy bơi, mỗi buổi sáng bà Sáu Thia dậy sớm cưỡi chiếc xe máy cà tàng đến chỗ dạy bơi, sau đó về đi làm thuê, hoặc nhận vé số đi bán dạo. Nhờ những đóng góp của bà Sáu Thia mà các vùng sông nước không có trường hợp trẻ bị đuối nước. Trả lời Tạp chí Forbes Việt Nam, bà Sáu Thia cho biết: "Tôi không chồng không con, tôi coi trẻ như con của tôi trong gia đình. Thời gian tới, lúc nào tôi khỏe thì tôi tiếp tục dạy, khi nào bánh xe tôi không còn lăn nữa thì thôi".
Ông Lê Minh Hoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từng thăm và tặng quà cho bà Sáu Thia
Cuộc sống của bà Sáu Thia khó khăn nhưng cứ hè đến, mùa nước lũ sắp về là bà gác hết mọi công việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ. Tính cách hào hiệp và lòng yêu trẻ của bà càng khiến cho nhiều người thán phục.
Ông Lê Minh Hoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từng ghé thăm và có cảm nhận về bà: "Chị Sáu Thia, một người không gia đình nên tất cả trẻ học bơi được chị chăm sóc, dạy dỗ như là con, cháu của mình, còn phụ huynh các cháu thì chị xem như là người thân ruột thịt. Chắc là phải có tấm lòng yêu thương trẻ em vô bờ bến, chị mới sẵn sàng làm một việc thiện nguyện đầy tính nhân văn như vậy".
Nha Mân - Lê Duy
Người lao động
Xem thêm: nhc.73664240221601202-gnuh-mac-neyurt-un-uhp-iougn-aiht-uas-ab-enizagame/nv.zibefac