Startup cuối cùng đến với Shark Tank Việt Nam tập 7 là Dương Hoàng Nhã Trúc – Nhà sáng lập Công ty TNHH Sản xuất – Kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề cùng Đoàn Lê Huy – Đồng sáng lập Công ty trên. Cả hai mang đến Shark Tank sản phẩm Thịt thực vật VMEAT do công ty Cây Đề sản xuất và kêu gọi 4 tỷ đổi lấy 20% cổ phần.
Theo Nhà sáng lập, VMEAT là sản phẩm được chị nghiên cứu hơn 2 năm, 100% được làm từ thực vật, "có giá trị dinh dưỡng tương tự như thịt động vật, có độ béo, độ dai, độ ẩm ướt, loại bỏ được mùi vị của đạm thực vật mà các dòng sản phẩm chay truyền thống khác chưa làm được".
Sau khi suy nghĩ và phân tích, hai đại diện của VMEAT đồng ý với đề nghị đầu tư của Shark Louis và Shark Liên với 4 tỷ cho 49% cổ phần.
Shark Đỗ Liên và Shark Louis bắt tay rót 4 tỷ cho startup thịt thực vật Vmeat. (Nguồn ảnh: Shark Tank Việt Nam)
Sau chương trình, trên trang cá nhân, Shark Đỗ Liên bất ngờ chia sẻ về việc bước qua định kiến để chọn đầu tư vào dự án của Dương Hoàng Nhã Trúc và Đoàn Lê Huy trên trang cá nhân.
"Nữ cá mập" cho hay, vốn là người theo Phật học, không thích các loại thực phẩm chay giả mặn, vì thế, bà hầu như không dành quá nhiều sự quan tâm cho startup Vmeat khi biết dự án này sẽ tham gia gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam mùa 4.
"Vmeat đã mở ra cho tôi một góc nhìn rộng hơn về giá trị của một bữa ăn chay. Không đơn giản chỉ tốt cho sức khỏe, ăn chay còn góp phần làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp chăn nuôi, qua đó giúp bảo vệ môi trường.
Ở khía cạnh tôn giáo, vào khoảnh khắc lắng nghe các bạn thuyết trình, tôi chợt nghĩ, nếu tôi học Phật mà vẫn khư khư tâm lý bài xích bữa chay giả mặn, nặng lòng nghĩ đó là chuyện sai trái thì bản thân tôi có lẽ chưa bao giờ thật sự thành công trong việc tu tâm. Tu tâm là giữ cho tâm thanh tịnh, mặc kệ trước mặt có là gì.
Và dù các món chay giả mặn hay các sản phẩm thịt thực vật Vmeat mang vẻ ngoài thế nào đi chăng nữa, có một sự thật mà chúng ta không thể nào chối bỏ: Không một con vật nào phải chết đi để làm ra bữa ăn đó, và nó thật sự mang tới lợi ích cho sức khỏe, môi trường", Shark Đỗ Liên chia sẻ.
Bên cạnh đó, Shark Liên cũng cho biết, không phải ai cũng lựa chọn ăn chay vì tôn giáo, như đã nói, có người ăn chay vì sức khỏe, có người lại vì muốn bảo vệ môi trường hoặc vì tình yêu dành các loài động vật, việc ăn chay không hề đơn giản với rất nhiều người, khẩu vị không quen, ăn ít ngày đã khó huống gì ăn chay trường.
Trong khi đó, Vmeat mang tới sản phẩm tiệm cận với khẩu vị quen thuộc của người ăn mặn, biến việc ăn chay trở nên dễ dàng hơn.
Gạt bỏ những định kiến cá nhân và nhìn thấu hơn hướng đi, sản phẩm và đạo đức của nhà sáng lập dự án, khiến bà quyết định cùng Shark Louis đầu tư cho VMEAT.
Shark Đỗ Liên. (Nguồn ảnh: Shark Tank Việt Nam)
Trong các mùa Shark Tank Việt Nam, Shark Đỗ Liên là "cá mập" chịu khó thay đổi "khẩu vị" đầu tư nhất, nhưng luôn xuyên suốt ở các giá trị nhân văn, cộng đồng.
Trong mùa 3, bà chú trọng đầu tư cho các Startup có mục tiêu kinh doanh tạo ra giá trị cho cộng đồng, môi trường, cũng như các hay cộng đồng LGBT như startup ống hút cỏ - “biến cỏ thành tiền”, khuyến khích hạn chế dùng ống hút nhựa, startup Lô tô - hỗ trợ giúp đỡ cộng đồng người chuyển giới.
Sang Shark Tank mùa 4, "bà đỡ" của các startup vẫn lựa chọn những dự án có giá trị nhân văn, cộng đồng, tuy nhiên, các dự án đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực từ ẩm thực (VMEAT) đến ứng dụng chăm sóc sức khỏe (DrThin), cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật (Vulcan Augmetics).
Tính đến hiện tại, sau 7 tập phát sóng của Shark Tank Việt Nam, ""nữ cá mập" đang là 1 trong những nhà đầu tư rót vốn cho nhiều startup nhất.
"Tôi làm bất cứ điều gì đem lại giá trị cho người Việt Nam", Shark Liên khẳng định.