Theo VCCI, đại dịch COVID-19 nhìn chung có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam. Tuy nhiên, các DN đang dần thích nghi, tìm ra các giải pháp để phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh.
DN chống chịu, thích nghi để vượt qua COVID-19
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, 87,2% DN cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.
Chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ hoặc các DN tại vùng duyên hải miền Trung. Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. DN tư nhân trong một số ngành có tỉ lệ chịu tác động tiêu cực cao bởi dịch là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%) và sản xuất thiết bị điện (94%). DN FDI trong một số ngành có tỉ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%).
Đại dịch COVID-19 đã khiến các DN gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sử dụng nhân công, người lao động, bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch COVID-19... Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, dừng hoạt động do tình hình dịch, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột.
Một số DN cho biết đã phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Do những tác động của dịch COVID-19, có tới 65% DN tư nhân và 62% DN FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với DN tư nhân là 36% và DN FDI là 34%. DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những DN quy mô lớn…
Ghi nhận những nỗ lực của DN Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - chia sẻ: DN Việt Nam đã trải qua năm 2020 vô cùng khó khăn do tác động của dịch COVID-19, song đây cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng DN. Năm 2021 vẫn còn không ít khó khăn đối với các DN và chính quyền các cấp.
Hỗ trợ DN tìm cơ hội mới, phát triển nền kinh tế
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, bên cạnh việc hỗ trợ DN gặp khó khăn, cần xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các DN trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch COVID-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.
Việc này sẽ rất quan trọng bởi sẽ giúp DN tìm cơ hội trong bối cảnh mới và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn”.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Phân theo khu vực kinh tế, DN tư nhân quy mô vừa hoặc lớn có xu hướng đánh giá việc tiếp cận các chính sách thuận lợi hơn. Ba chính sách được các DN đánh giá cao nhất về mức độ hữu ích bao gồm gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuết thu nhập DN và gia hạn nộp tiền thuê đất. Điều đáng nói là, dù các DN cho biết khó tiếp cận chính sách vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, nhưng các DN vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng DN Việt. DN cũng đã "thức tỉnh" và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. DN phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cơ cấu đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng... Các sáng kiến trong ứng phó với COVID-19 đã được các DN thực hiện, quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều DN đang phải thích ứng và linh hoạt tổ chức lại phương thức hoạt động để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, giữ an toàn cho người lao động, đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tháng 5.2021 đã ghi nhận 13/17 lĩnh vực có số DN đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, kinh doanh bất động sản tăng 60,4%; giáo dục và đào tạo tăng 53,5%; thông tin và truyền thông tăng 41,4%.
Một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng ghi nhận số DN đăng ký thành lập mới tăng như: Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 11,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,4%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 13,2%.
Trong 5 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỉ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỉ trọng của ngành khai khoáng có xu hướng giảm. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Xem thêm: odl.889129-91-divoc-hcid-iad-touv-gnouc-neik-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal