Cách đây vài năm, gia đình anh Chẻo A Nái, ở bản Nậm Mạ Dạo, xã Ma Quai được hỗ trợ một cặp bò giống sinh sản từ Chương trình "Ngân hàng bò". Được hỗ trợ vật nuôi, gia đình anh Nái thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong cam kết; cũng như chăm sóc bò theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã; xây dựng chuồng trại chắc chắn, gia cố, che chắn gió trong mùa đông… Nhờ đó, đàn bò của gia đình anh Nái phát triển tốt, từ cặp bò giống ban đầu, giờ đây gia đình anh đã có 6 con bò trị giá hàng trăm triệu đồng.
"Nhờ sự quan hỗ trợ của Ngân hàng bò mà gia đình đã thoát được nghèo rồi. Chỉ mong bà con nghèo trong bản, trong xã ai cũng được hỗ trợ như mình để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống", anh Nái chia sẻ.
Cùng bản với anh Nái, gia đình anh Phàn Cáo Chiêm cũng được hưởng lợi từ "Ngân hàng bò". Với đôi bò giống ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình anh đã lên tới 10 con.
Anh Chiêm cho biết: Để chủ động nguồn thức ăn, gia đình anh đã trồng cỏ voi, cỏ mật; khi bò sinh sản hoặc vào mùa đông, những đợt trời rét đậm, rét hại bổ sung tinh bột trong thức ăn hằng ngày cho đàn bò. Ngoài ra, anh cũng thực hiện các hướng dẫn về công tác thú y để đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt.
Gia đình anh Nái, anh Chiêm chỉ là hai trong hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình "Ngân hàng bò" do Trung ương hội Chữ thập đỏ hỗ trợ. Để chương trình thực sự phát huy hiệu quả, ngay từ những ngày đầu, việc lựa chọn các hộ để hỗ trợ bò,được các xã triển khai bình xét công khai, dân chủ.
Trong đó, đối tượng được thụ hưởng là các hộ nghèo; ưu tiên gia đình thuộc diện chính sách. Sau khi giao con giống, các cơ quan chuyên môn của huyện trực tiếp xuống từng bản, hướng dẫn bà con làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, phương án bảo vệ gia súc, dự trữ thức ăn trong mùa đông và tiêm phòng để phòng dịch bệnh theo cách "cầm tay chỉ việc".
"Những hộ được hỗ trợ bò là hộ nghèo, không có vật nuôi. Để việc chăn thả được hiệu quả, nhiều hộ đã quy hoạch khu chăn nuôi, cử người chăn dắt, không để xảy ra tình trạng đàn bò thả rông; tránh trường hợp bị ngã núi chết hay phá hoại hoa màu của bà con. Sau thời gian triển khai, tới thời điểm này, đàn bò của dự án đã phát triển thêm hơn 10 con và bò giống được bàn giao cho các hộ nghèo khác tại địa phương chăm sóc", ông Sìn Văn Vấn, Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết.
Việc hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo, không chỉ tạo sinh kế cho bà con mà còn góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt. Như ở xã vùng cao Tủa Sín Chải, mùa đông nền nhiệt xuống thấp, để bảo vệ đàn bò của dự án, các hộ chăn thả lùa bò xuống các bản thuộc vùng thấp, giáp sông Đà, sông Nậm Na để chăn thả. Nhờ đó, nhiều hộ được hỗ trợ vật nuôi ở Tủa Sín Chải, đã vươn lên thoát nghèo, một số hộ còn có tích luỹ để tái đầu tư mở rộng sản xuất làm giàu.
Ông Tẩn A Phù, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sìn Hồ cho biết: Chương trình "Ngân hàng bò" được triển khai trên địa bàn Sìn Hồ từ năm 2013, tại các xã: Pa Tần, Ma Quai và Tủa Sín Chải theo hình thức luân chuyển sau khi bò sinh sản. Với số con giống ban đầu của chương trình có 120 con (trong đó, 100 con được đầu tư từ dự án "Ngân hàng bò" của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 20 con lồng ghép từ các chương trình khác).
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, hiện tại tổng đàn bò của chương trình đã lên tới hơn 200 con. Đây là cách làm hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của Sìn Hồ. Với cách làm "cho cần câu chứ không cho con cá" đã góp phần tạo sinh kế và thu nhập bền vững cho hàng trăm hộ nghèo trong huyện.
"Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục luân chuyển số bê con giống được sinh sản từ đàn bò của chương trình, hỗ trợ cho các hộ nghèo khác, tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển kinh tế theo hướng thoát nghèo bền vững", ông Phù cho biết.
Trọng Bảo
Báo dân tộc
Xem thêm: nhc.36365920132601202-oehgn-taoht-oh-nis-nad-iougn-puig-ob-gnah-nagn/nv.zibefac