Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và TP. Thủ Đức, TP.HCM đang được xây dựng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tôi sống ở TP.HCM đã rất lâu nên được chứng kiến sự hồi sinh của những "dòng kênh chết". Nhìn những dòng kênh xanh mát như ngày nay, ít ai ngờ rằng từ thập niên 1990 trở về trước chúng tưởng như đã chết "lâm sàng".
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, kênh Đôi là nhân chứng cho nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc phục hồi sự sống những dòng kênh lúc ấy đang "hấp hối".
Trên thế giới rất ít đô thị có được hệ thống sông rạch nhiều và đan xen như TP.HCM. Không chỉ có tác dụng thoát nước và làm mát cho thành phố, những con kênh xanh này còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển giao thông, kinh tế cũng như du lịch nếu được đầu tư bài bản, khoa học.
Nhiều lần tôi đi trên tàu "buýt đường sông" suốt tuyến từ bến Bạch Đằng (Q.1) đến điểm cuối là Linh Đông (TP Thủ Đức). Thời gian cho chuyến hành trình trên sông Sài Gòn bằng đường thủy này chỉ 45 phút, tương đương với đi đường bộ. Nhưng tôi cứ tiếc ngẩn ngơ vì muốn đi tiếp nữa cũng chưa có tuyến, giống như được ăn món ngon mà không đủ no.
Chúng ta có thể tích hợp "giao thông, kinh tế, du lịch", phát huy tối đa thế mạnh của mạng lưới sông rạch ở thành phố. Đã có những nhà hàng nổi đưa khách du ngoạn kết hợp ẩm thực trên sông.
Những canô chở khách "lướt sóng" trải nghiệm trong chuyến du lịch khám phá. Vậy nhưng, đó vẫn còn quá ít so với tiềm năng dồi dào. Kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé hay đón ghe thuyền của thương nhân chở nông sản từ miền Tây lên tiêu thụ, rồi ngược lại chở hàng từ thành phố về quê.
Sẽ càng tuyệt vời hơn khi ngành du lịch xây dựng mô hình chợ nổi trên kênh, tương tự chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Tổ chức đưa đón du khách đến tham quan, mua sắm. Đây là cơ hội không thể tốt hơn nhằm giới thiệu những sản vật, món ăn truyền thống đặc trưng của vùng đất "chín rồng".
Tháng chạp âm lịch hằng năm là lúc tiểu thương chở hoa cúc, vạn thọ... từ Đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố. Ý tưởng tổ chức hội chợ hoa trên kênh chắc chắn sẽ hoàn toàn khả thi bởi lẽ đây cũng là dịp khách du lịch nước ngoài đến thành phố rất đông.
Xây dựng những sân khấu nổi để giao lưu, biểu diễn nghệ thuật và du khách chụp hình kỷ niệm sẽ khiến sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hơn. Du lịch kết hợp đường bộ với đường thủy sẽ càng tăng cảm giác thú vị.
Tôi hình dung những con tàu chở khách chậm rãi xuôi theo sông Đồng Nai, Sài Gòn. Sáng khách điểm tâm tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), trưa ăn cơm ở Khu du lịch Bình Quới (Q.Bình Thạnh), chiều dạo mát tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) và ăn tối tại khu ẩm thực chợ Bến Thành.
Và còn là thương hiệu "Thành phố của những cây cầu". Sông rạch nhiều dĩ nhiên cầu cũng nhiều. Dẫu vậy, số lượng cầu ở TP.HCM vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Một hạn chế nữa đó là cầu mới chỉ đơn thuần làm chức năng phục vụ giao thông, chưa có chiếc cầu nào "là nơi hò hẹn của đôi ta" và trở thành điểm nhấn du lịch.
Thành phố nên mạnh dạn đầu tư nhiều chiếc cầu có chức năng chỉ phục vụ người đi bộ và du khách, kế bên những cây cầu hiện hữu. Sẽ không quá khó nếu xây chiếc cầu nằm cạnh cầu Sài Gòn với thiết kế độc đáo, lạ mắt, hấp dẫn khách tham quan.
Tại đây, người dân có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh toàn thành phố. Không xa dưới chân cầu là tòa nhà Landmark 81 kiêu hãnh, một địa điểm check in, livestreams lý tưởng. Khu du lịch Văn Thánh gần đó cũng là nơi khách lựa chọn để dạo chơi. Phạm vi bán kính 500m này đủ để giữ chân du khách cả ngày.
Những dòng kênh khác cũng rất cần có thêm cầu đi bộ mang tính thẩm mỹ cao và lãng mạn. Người địa phương có chỗ để thư giãn và tập thể dục, khách du lịch có ngoại cảnh để quay phim.
Chúng ta đã chi hàng ngàn tỉ đồng để "cải tử hoàn sinh" kênh rạch, giờ hãy thêm một khoản kinh phí nhỏ để mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng và thành phố.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Phát triển hình ảnh thương hiệu của TP.HCM là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp thành phố trở nên nổi bật giữa bức tranh toàn cầu.
Xem thêm: mth.5064031062601202-hnek-gnod-gnuhn-auc-ohp-hnaht-et-couq-mat-gnan-mch-pt-ek-neih/nv.ertiout