Các nhà nghiên cứu New Zealand đã tạo ra một thiết bị giảm cân sử dụng nam châm “khóa hàm" bệnh nhân và đánh giá đây là công cụ mới chống lại bệnh béo phì, trong khi những người phê phán gọi đó là công cụ tra tấn thời Trung cổ.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), người dùng thiết bị "khóa hàm" này sẽ được nha sĩ lắp nam châm và chốt khóa vào răng hàm trên và dưới.
Khi hoạt động, chiếc khóa sẽ hút chặt hai hàm lại và chỉ hé được kẽ hở tối đa 2 mm, đủ để hít thở hay nói chuyện. Nhờ chiếc khóa, người đeo không thể ăn uống một cách mất kiểm soát mà phải tuân theo chế độ dinh dưỡng dạng lỏng.
Các nhà nghiên cứu New Zealand đã tạo ra một thiết bị giảm cân sử dụng nam châm “khóa hàm" bệnh nhân. Ảnh: AFP
Trưởng nhóm nghiên cứu Paul Brunton, làm việc tại Trường khoa học y tế thuộc Đại học Otago, cho biết đây là “một phương pháp thay thế không xâm lấn, có thể đảo ngược và tiết kiệm hơn so với các thủ thuật phẫu thuật khác”.
“Trên thực tế, thiết bị này không hề gây hậu quả bất lợi nào” - nhóm nghiên cứu khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã thành công trong việc "phát triển thiết bị giảm cân đầu tiên trên thế giới giúp chống nạn béo phì toàn cầu".
Trong bài công bố được đăng trên tạp chí British Dental, nhóm nghiên cứu cho hay bảy người phụ nữ tham gia thử nghiệm đã giảm trung bình 6,36 kg trong hai tuần khi đeo thiết bị “khóa hàm” có tên DentalSlim Diet Control này.
Ngoài ra, những nhà nghiên cứu New Zealand cũng tiết lộ các bệnh nhân có gặp một số khó chịu ban đầu, nhưng nhìn chung đều khẳng định sự khó chịu ở ngưỡng “có thể chịu đựng được”.
Bảy người phụ nữ tham gia thử nghiệm đã giảm trung bình 6,36 kg trong hai tuần khi đeo thiết bị “khóa hàm” có tên DentalSlim Diet Control. Ảnh: AFP
Không giống như hệ thống dây siết hàm, vốn là một cách phổ biến để con người ăn kiêng vào những năm 1980, DentalSlim có chức năng tháo khóa khẩn cấp trong trường hợp bệnh nhân nôn mửa hoặc lên cơn hoảng sợ.
Trong quá trình thử nghiệm, không tình nguyện viên nào phải dùng đến chức năng tháo khóa trong hai tuần thử nghiệm, song một phụ nữ thừa nhận đã gian lận chế độ ăn lỏng bằng cách nấu chảy sô cô la để nạp đường vào cơ thể.
Phát minh này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng cáo buộc các nhà nghiên cứu đang xúc phạm người béo phì, cũng như đặt câu hỏi về tính đạo đức của thiết bị được ví như biện pháp tra trấn thời Trung cổ.
Một nhà phê bình đã gọi DentalSlim là một thiết bị “kinh hãi và mất nhân tính" trong khi một người khác nói rằng thiết bị này sẽ có thể kéo theo thói quen ăn uống không lành mạnh.
Phản hồi lại, nhóm nghiên cứu lưu ý trong bài báo của họ rằng thử nghiệm này đã được một ủy ban đạo đức phê duyệt và được thực hiện theo các hướng dẫn quốc tế, SCMP đưa tin.