Tại tọa đàm: "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 1/7, GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết: Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
Ở Việt Nam với nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương nên đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm. Do đó, những trường hợp này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập.
Cùng với đó, ông Lân cho rằng, cần tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan như vậy thì có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.
“Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng”, ông Lân nhấn mạnh.
Theo ông Lân, trong tương lai dịch khó dự đoán nên tiêm vắc xin sẽ yên tâm hơn. Nếu dịch có xâm nhập thì mọi người sẽ được bảo vệ và yên bình hơn.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong tuần qua, biến chủng BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu. Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Tại Singapore, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 45% các trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng liên quan đến biến chủng BA.4, BA.5.
Câu hỏi đặt ra là trẻ em có nhiễm biến chủng BA.4, BA.5 hay không? Ông Điển dẫn số liệu từ Cục Y tế dự phòng cho biết, tỉ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, cũng tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc COVID-19.
Với các ca bệnh khó, bệnh nặng thì chủ yếu liên quan đến bệnh mãn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ. Đồng thời trẻ em là nhóm yếu thế bởi trẻ em chưa được tiêm chủng nhiều, đặc biệt là nhóm dưới 11 tuổi.
“Vừa rồi chúng ta mới bắt đầu có thuốc tiêm cho trẻ từ 5- 11 tuổi, còn nhóm dưới 5 tuổi chưa có thuốc tiêm. Do vậy, nếu biến chủng BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng, tức là trẻ em có lây lan và có tỉ lệ mắc bệnh nặng và đặc biệt trẻ em là nguồn lây sang cho người già, người lớn khác dễ dàng hơn vì đối với trẻ em, thông thường các giải pháp liên quan đến khẩu trang, khử khuẩn kém hơn so với người lớn”, ông Điển cho hay.
Văn Kiên
Tiền Phong