Nghịch lý thị trường chứng khoán
Nếu nói về sức khỏe của doanh nghiệp, một doanh nghiệp được cho là khỏe mạnh khi làm ra nhiều lợi nhuận hay giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó ở mức cao? Và ngược lại, doanh nghiệp được cho là yếu khi làm thua lỗ hay giá cổ phiếu ở mức thấp? Ấy vậy mà có tình trạng, doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi nhưng giá cổ phiếu lại tụt dốc không phanh.
Thống kê cho thấy vốn hóa thị trường chứng khoán giảm hơn 1,2 triệu tỷ đồng từ đầu năm. Ngành thép, những cổ phiếu dẫn đầu ngành đã giảm đến 40% thị giá, nhóm ngân hàng ít cũng đã giảm trung bình 30%, hay trong nhóm tài chính thì các cổ phiếu chứng khoán thậm chí giảm gần 50% vốn hóa thị trường tính từ đầu năm.
Tuy nhiên, các phân tích đều cho thấy các doanh nghiệp các ngành này đều làm ăn có lãi. Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa ước tính thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng niêm yết từ hoạt động tín dụng quý 2/2022 sẽ tăng 14%, thu nhập phí quý 2/2022 ước tính tăng 5% so với cùng kỳ năm. Điều này giúp lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có khả năng tăng tới 36%.
"Đôi khi sẽ có những nghịch lý là kết quả kinh doanh tăng nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm. Trước đây chúng ta còn chứng kiến một nghịch lý là kinh tế suy giảm nhưng, doanh nghiệp thua lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng, đó là thời điểm dòng tiền trong nền kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và đổ vào thị trường chứng khoán", Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết Đỗ Bảo Ngọc cho biết.
Theo ông Ngọc, thị trường chứng khoán là thị trường cung cầu nên dòng tiền mang tính quyết định, đôi khi thông tin kết quả kinh doanh chỉ là chất xúc tác.
Nếu nói về dòng tiền, như phiên ngày hôm qua (1/7), trên cả 3 sàn là khoảng 13.800 tỷ đồng được giao dịch. Con số này chỉ bằng khoảng 50% so với trung bình trong quý 1, thậm chí chỉ bằng 1/3 những ngày cao điểm năm ngoái.
Thị trường chứng khoán đang điều chỉnh sau 2 năm tăng mạnh
Lý giải xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới giảm tương đối mạnh trong nửa đầu năm nay, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ngoài lý do dòng tiền một phần quay trở lại sản xuất kinh doanh còn nguyên nhân khác.
Thứ nhất là thị trường đã và đang điều chỉnh, tức sau 2 năm tăng mạnh dù kinh tế khó khăn. Điều này chứng tỏ dòng tiền rẻ đổ vào thị trường chứng khoán 2 năm qua và đâu đó một số mã tăng nóng và đây là thời điểm thị trường điều chỉnh.
Thứ hai theo ông Lực là hiện tượng đầu cơ đã xảy ra thời gian qua và hiện tại đầu cơ đã giảm. Thứ ba, các đòn bẩy tài chính giảm rất nhiều thời gian qua vì khi thị trường đi xuống nhiều nhà đầu tư phải giải chấp khiến thị trường đi xuống.
Sự đi xuống của thị trường chỉ là tạm thời?
Nói thêm về dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, trong quý 2/2022, giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại trên toàn thị trường là 10.417 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu hoàn toàn trái ngược với năm 2021 họ bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng, thậm chí ngay trong quý 1 vừa qua nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục bán ròng gần 7.000 tỷ.
"Sự đi xuống của thị trường giai đoạn vừa qua không cho thấy sự bi quan trong phát triển kinh tế Việt Nam, mà thực chất về lâu dài, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là rất triển vọng. Nên tạm thời sự đi xuống của thị trường theo tôi lại là cơ hội mua rất tốt cho nhiều nhà đầu tư", ông Tomonori Tsuchiya - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Nhật Bản nhận định.
Theo ông Tomonori Tsuchiya - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Nhật Bản, thị trường đi xuống là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư
Còn theo ông Soh Jin Wook - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ MIRAE ASSET Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam không có gánh nặng định giá trong môi trường lãi suất tăng, không giống như chứng khoán tăng trưởng ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ.
"Năm nay chúng tôi tập trung vào các cổ phiếu dự kiến hoạt động tốt, hơn là vào các cổ phiếu đang tăng giá. Các bạn có hai động lực mạnh trong trung và dài hạn là tiến từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi và thứ hai là việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên hạng đầu tư", ông Soh Jin Wook cho biết.
Sức khoẻ doanh nghiệp 6 tháng cuối năm?
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là hơn 76.000 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Ở chiều ngược lại số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng gần 75.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số đáng nói ở đây phải là hơn 40.000 doanh nghiệp đã quay lại hoạt động.
Ông Cấn Văn Lực khẳng định việc hơn 40.000 doanh nghiệp đã quay lại hoạt động sau 6 tháng đầu năm chứng tỏ kinh tế của chúng ta đang phục hồi tốt.
"Qua theo dõi chỉ số kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, chúng tôi thấy rằng các chỉ số vĩ mô đã quay trở về trạng thái gần bằng trước dịch", ông Lực cho biết.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Lực nhận định đối với khối doanh nghiệp cả khối trong nước và ngoài nước về tổng thể sẽ có gam màu sáng nhiều hơn tất nhiên vẫn còn một số lĩnh vực khó khăn.
Ông Lực nhấn mạnh từ nay đến cuối năm doanh nghiệp phải khắc phục được khó khăn chi phí đầu vào (giá nguyên vật liệu, lãi suất...). Thứ hai, doanh nghiệp là phải kiểm soát được nghĩa vụ trả nợ và vấn đề nguồn nhân lực. Cuối cùng là việc nhiều doanh nghiệp phải tăng lương từ 1/7.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!