Tờ Bloomberg đưa tin, Amazon vừa ký thỏa thuận thuê văn phòng rộng 34.200 m2 tại Tổ hợp tòa nhà văn phòng IOI Central Boulevard mới ở Singapore. Thỏa thuận gồm việc thuê 2 tầng với diện tích sàn 6.500 m2 mỗi tầng và 9 tầng văn phòng với diện tích mỗi sàn 2.400 m2 tại East Tower. Dự án này được đặt tại Marina Bay và dự kiến được hoàn thành vào tháng 10/2023.
Động thái mới của Amazon cho thấy xu hướng dịch chuyển của các công ty toàn cầu khi đặt sự hiện diện tại Singapore nhằm quản lý hay mở rộng hoạt động ở châu Á.
Trước đó vào năm 2019, Amazon đã chính thức chọn Singapore là cứ điểm đầu tiên, đặt nền móng cho sự xâm nhập vào Đông Nam Á của hãng.
Khi ấy, Singapore là đất nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Amazon đặt chân tới, sau sự hiện diện tại 19 quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Brazil,Nhật Bản.... Hai năm trước đó, mặc dù Amazon triển khai dịch vụ Prime Now, cho phép người Singapore mua hàng hóa của Amazon qua một ứng dụng trên điện thoại, nhưng các mặt hàng rất hạn chế, chủ yếu tập trung vào dòng nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình. Chưa kể, phí ship từ nước ngoài về Amazon cũng khá cao.
"Với Amazon.sg, chúng tôi muốn đáp ứng những nhu cầu mà khách hàng đã mong mỏi từ lâu: Cơ hội mua sắm trên máy tính và điện thoại, nhiều lựa chọn về hàng hóa cũng như phương án giao hàng nhanh chóng, đáng tin cậy", tờ Straightimes dẫn lời ông Henry Low, giám đốc Amazon Singapore trả lời trong buổi họp báo khi đó.
Ra mắt vào năm 2000, nền tảng của Amazon đã trải qua 15 năm đầu tiên của cuộc đời, chủ yếu đóng vai trò như là một nơi để các nhà sản xuất, người trung gian, người bán hàng và thậm chí là chính Amazon cạnh tranh cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng có thương hiệu mà họ biết và tin tưởng. Đối với Amazon, việc các lựa chọn mặt hàng ngày càng nhiều lên không ảnh hưởng tới chi phí hàng tồn kho, thậm chí còn tốt cho công ty.
Tuy nhiên, những năm gần đây việc có quá nhiều hàng hóa Trung Quốc xuất hiện trên nền tảng của họ đã gây ra rắc rối, nhất là vấn đề kiểm soát chất lượng. Kể từ giữa những năm 2010 Amazon bắt đầu tích cực thu hút các nhà sản xuất và người bán ở Trung Quốc. Kể từ đó, ngày càng nhiều hàng và dịch vụ hơn được cung cấp trên Amazon với giá thậm chí còn thấp hơn. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Marketplace Pulse, từ năm 2016 đến cuối năm 2020, tỷ lệ 10.000 người bán hàng đầu trên Amazon có trụ sở tại Trung Quốc đã tăng từ một trong 5 người bán, lên 1 trong 2 người bán.
Những vấn đề mà Amazon gặp phải khi mở cửa cho người bán ở Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây. Vào năm 2019, tờ WSJ cũng từng phát hiện ra hàng nghìn sản phẩm bị cấm, không an toàn hoặc dán nhãn sai trong danh mục của Amazon, hầu hết trong số đó đến từ những người bán có trụ sở tại Trung Quốc. Rõ ràng là người bán trên Amazon đang làm gì đó với thuật toán của Amazon để khiến hàng hóa của họ được xuất hiện càng cao trong kết quả tìm kiếm càng tốt và thậm chí sự việc còn đi xa đến mức hối lộ nhân viên Amazon ở Trung Quốc để giúp tăng thứ hạng của mặt hàng.
Người phát ngôn của Amazon cho biết công ty đã chi hơn 900 triệu USD vào năm ngoái để chống hàng giả, gian lận và các hành vi lạm dụng khác — một nỗ lực mà bà nói có sự tham gia của 12.000 người. Người này nói thêm, công ty đã dừng hơn 2,5 triệu nỗ lực gian lận để tạo tài khoản người bán mới, giảm so với hơn sáu triệu so với năm trước.
Trong vòng gần nhất của cuộc chạy đua vũ trang đó, vào tháng 9/2021, Amazon thông báo đã cấm 600 thương hiệu có trụ sở tại Trung Quốc, được bán trên 3.000 tài khoản người bán, để trừng phạt việc họ sử dụng các đánh giá giả mạo và trả phí cùng các hành vi vi phạm khác.
Juozas Kaziukėnas, người sáng lập Marketplace Pulse, cho biết Amazon luôn cấm người bán vì các hành vi vi phạm bao gồm các mặt hàng kém chất lượng và sử dụng chiến thuật "mũ đen" không được phép để tăng thứ hạng của các mặt hàng. Điều này có thể giải thích tại sao Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến cho biết tổng số tài khoản bị Amazon cấm vào mùa xuân và mùa hè năm 2021 đã vượt quá 50.000 tài khoản.
Việc cấm các tài khoản này có thể là một trong những yếu tố góp phần lớn nhất khiến tỷ lệ người bán Mỹ trên Amazon quay trở lại, bắt đầu vào khoảng đầu năm 2021.
Nguồn: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/07/1417274.htmPhương Linh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.59912929080702202-eropagnis-iat-2m-00243-gnor-gnohp-nav-euht-nozama/nv.zibefac