Ông Nguyễn Đức Chung trong phiên tòa phúc thẩm vụ mua chế phẩm Redoxy-3C vừa được xét xử cuối tháng 6 - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng nay (11-7), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án "tiếp tay" cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu số hóa hồ sơ, dữ liệu của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội các năm 2016 và 2017.
Tòa cũng xem xét kháng cáo của bà Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh văn phòng Sở Kế hoạch và đầu tư) và bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và đầu tư). Bốn bị cáo còn lại trong vụ án không kháng cáo, trong đó có cựu giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Tứ.
Phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra trong 3 ngày do thẩm phán Nguyễn Hải Thanh làm chủ tọa.
Trước đó, ông Chung bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù với cáo buộc can thiệp giúp Công ty Nhật Cường trúng gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Bản án sơ thẩm xác định gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và đầu tư làm chủ đầu tư. Tuy vậy, quá trình thực hiện các gói thầu, từ đề xuất của Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường), bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo dừng thầu trái quy định.
Quá trình mở thầu lại Công ty Nhật Cường được tham gia nhưng bố trí "quân xanh", bỏ giá cao hơn nên trúng thầu. Tuy nhiên công ty này không thực hiện gói thầu mà "bán cái" lại cho Công ty Đông Kinh để hưởng lợi bất chính hơn 19 tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu khiến mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, khi chỉ có 45% tài liệu được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hành vi sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.
Trước phiên phúc thẩm, từ trại tạm giam, ông Chung đã gửi đến Tòa cấp cao bản giải trình dài gần 60 trang, khẳng định đã yêu cầu dừng các dự án về công nghệ thông tin nhiều lần trước khi yêu cầu ông Nguyễn Văn Tứ - nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư - ngừng triển khai gói thầu số hóa.
Việc chỉ đạo dừng gói thầu theo ông Chung là đúng quy định, bởi yêu cầu việc tích hợp kết quả số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào phần mềm và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về đăng ký doanh nghiệp của TP Hà Nội chưa được đưa vào kế hoạch đấu thầu.
Ông Chung cho rằng việc ông bút phê đồng ý đề xuất cho Công ty Nhật Cường thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ doanh nghiệp "là đúng nguyên tắc, đúng quy định".
Tòa cấp sơ thẩm cáo buộc hành vi trên của ông Chung tạo điều kiện giúp Nhật Cường tham gia gói thầu, trúng thầu. Ông Chung cho rằng cáo buộc này là "suy diễn thiếu căn cứ, không khách quan".
Đồng thời, ông Chung cũng thông qua luật sư gửi đến tòa hồ sơ bệnh án, trong đó có: hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec; Phòng khám đa khoa quốc tế Vietsing; bệnh án của Bệnh viện K…
Các hồ sơ bệnh án nêu trên đều có nội dung chẩn đoán ông Chung bị ung thư trực tràng, theo dõi di căn phổi.
Cựu chủ tịch Hà Nội cũng nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương trong suốt quá trình công tác của mình từ khi còn là công an đến UBND TP Hà Nội…
Bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị tòa phúc thẩm xem xét các thành tích cho mình và các giải trình trên để có bản án "thấu tình đạt lý".
Mới đây, ông Chung cũng có bản giải trình hơn 100 trang kêu oan trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C làm sạch sông hồ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Chung đã nộp 25 tỉ đồng khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án nên được tòa quyết định giảm án từ 8 năm tù còn 5 năm tù.
TTO - Tòa cấp phúc thẩm đánh giá ông Nguyễn Đức Chung đã nộp 25 tỉ đồng khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án và có nhiều đóng góp, được tặng nhiều huân chương, huy chương..., nên quyết định giảm án cho bị cáo từ 8 năm tù còn 5 năm tù.