GS Trần Thanh Vân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: LÂM THIÊN
Tham dự hội nghị có GS Trần Thanh Vân, chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, GS Duncan Haldane - người đoạt giải Nobel vật lý 2016, là giáo sư của Đại học Princeton (Mỹ) và GS Đàm Thanh Sơn (Trường ĐH Chicago, Mỹ) - người đoạt giải Dirac 2018.
Theo GS Trần Thanh Vân, đây là một hội nghị khoa học quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022. Sự kiện này được hội đồng chủ trì đề án trình Liên Hiệp Quốc và UNESCO công nhận là sự kiện khoa học đầu tiên trên toàn thế giới hưởng ứng Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững 2022 do Liên Hiệp Quốc thông qua tháng 1-2022 và UNESCO tổ chức lễ công bố chính thức vào ngày 8-7-2022.
GS Duncan Haldane - người đoạt giải Nobel vật lý 2016 (bên trái), là giáo sư của Đại học Princeton (Mỹ) và GS Đàm Thanh Sơn (ở giữa - Trường ĐH Chicago, Mỹ) - người đoạt giải Dirac 2018, tham dự hội nghị - Ảnh: LÂM THIÊN
Hội nghị quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực vật liệu lượng tử và được chuẩn bị với trọng tâm nhắm tới sự giao tiếp và thảo luận giữa những người tham dự trẻ và những kết quả nghiên cứu khoa học của họ với những người tham dự có kinh nghiệm nghiên cứu hơn.
Hội nghi thu hút đông đảo các giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước tham dự - Ảnh: LÂM THIÊN
Tại đây, các bài giảng sư phạm hướng đến các nhà nghiên cứu trẻ (các nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ) nhằm cung cấp cho họ nền tảng cần thiết để tiếp nhận các báo cáo khoa học tiếp theo ở cấp độ nghiên cứu của các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về những chủ đề của hội nghị.
Các bạn trẻ là học sinh tiêu biểu của các trường chuyên khu vực miền Trung - Tây Nguyên thích thú lắng nghe các giáo sư nói chuyện - Ảnh: LÂM THIÊN
Hội nghị kéo dài một tuần và mỗi ngày hội thảo sẽ được chia thành các phiên họp buổi sáng và buổi chiều để có nhiều thời gian cho tương tác không chính thức vào giữa ngày, giữa các nhà nghiên cứu trẻ và các nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm, và trao đổi văn hóa với những người tham dự đại diện cho cộng đồng nghiên cứu trên thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, GS Trần Thanh Vân cho biết, đại dịch COVID-19 đã buộc gần như tất cả các nhà nghiên cứu phải trải qua một khoảng thời gian làm việc từ xa.
"Hội nghị này là dịp để các nhà khoa học trên thế giới đến Việt Nam chia sẻ kiến thức với những người trẻ yêu khoa học. Tôi hy vọng từ đây các ý tưởng khoa học mới sẽ được hình thành và lan rộng để tình yêu khoa học trong các bạn trẻ ngày một lớn thêm và trở thành nguồn tài nguyên quý giá của đất nước", GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
GS Đàm Thanh Sơn (Trường ĐH Chicago, Mỹ) - người đoạt giải Dirac 2018 - chia sẻ với các bạn trẻ về các kiến thức khoa học - Ảnh: LÂM THIÊN
Trong khi đó, ông Bùi Thế Duy, thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, đánh giá hội nghị là cơ hội để các học sinh có niềm đam mê với khoa học được mở rộng tầm mắt và được tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích từ chính những giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng trên thế giới.
GS Duncan Haldane thắp đuốc đánh dấu sự kiện khoa học đầu tiên của thế giới, thắp sáng tinh thần thượng tôn khoa học, hưởng ứng Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) - Ảnh: LÂM THIÊN
Theo ông Nguyễn Phi Long, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong nhiều năm qua, Bình Định luôn xác định phát triển giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu.
"Ngoài mục tiêu xây dựng Quy Nhơn là thành phố du lịch, Bình Định còn hướng đến xây dựng Quy Nhơn trở thành trung tâm phát triển khoa học đầu tiên của cả nước. Tôi rất vui vì được chứng kiến rất nhiều giáo sư, tiến sĩ hàng đầu thế giới về với Quy Nhơn để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho các thế hệ trẻ. Đây là một động lực to lớn để các bạn trẻ phát triển thêm về tri thức cũng như gắn bó với niềm đam mê nghiên cứu khoa học", ông Long cho hay.