Đồng tiền chung châu Âu hôm 12/7 lần đầu tiên trong 20 năm có giá tương đương USD. Hiện tại, giá euro đã nhích lên. Mỗi euro đổi được 1,04 USD. Cũng như các đồng tiền khác, euro yếu đi sẽ gây ra nhiều tác động với nền kinh tế khu vực này.
Với lạm phát và sức mua
Gần nửa hàng hóa nhập khẩu vào eurozone được thanh toán bằng USD, cao hơn so với gần 40% bằng euro, theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat. Ví dụ, dầu mỏ và khí đốt thường được trả bằng USD. Giá hai loại hàng hóa này đã tăng vọt vài tháng qua do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Điều này đồng nghĩa châu Âu sẽ cần nhiều euro hơn để trả cho cùng một lượng hàng hóa niêm yết bằng USD. "Hàng nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn", càng khiến lạm phát thêm trầm trọng và làm giảm sức mua của các hộ gia đình, Isabelle Mejean – Giáo sư tại Đại học Sciences Po nhận định.
William De Vijlder – nhà kinh tế học tại BNP Paribas thì bổ sung một tác động đặc biệt nữa khi euro mất giá so với USD là "làm giảm hoạt động du lịch từ châu Âu sang Mỹ". Nguyên nhân là du khách châu Âu sẽ cần nhiều euro hơn để mua hàng hóa bằng USD. Việc này sẽ kéo tổng chi phí của chuyến đi lên cao. Không chỉ với Mỹ, ảnh hưởng này sẽ còn xuất hiện khi họ tới các nước neo đồng tiền vào USD, như Qatar hay Jordan.
Trái lại, du khách từ Mỹ, Qatar hay Jordan sang châu Âu sẽ hưởng lợi, do đồng tiền của họ đổi được nhiều euro hơn trước đây.
Với các doanh nghiệp
Tác động của việc euro yếu đi còn tùy từng doanh nghiệp, theo mức độ phụ thuộc vào ngoại thương và năng lượng.
"Các công ty xuất khẩu ra ngoài khu vực đồng euro sẽ hưởng lợi khi giá giảm, do sản phẩm của họ cạnh tranh hơn khi đổi sang USD", Philippe Mutricy – Giám đốc nghiên cứu tại ngân hàng Bpifrance nhận xét, "Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp bất lợi".
Trong trường hợp các thợ thủ công địa phương – những người phụ thuộc vào nguyên liệu thô và năng lượng, nhưng ít xuất khẩu – đồng euro yếu đi sẽ khiến chi phí sản xuất tăng vọt.
Bên hưởng lợi lớn nhất là các hãng sản xuất theo định hướng xuất khẩu, như hàng không vũ trụ, xe hơi, hàng xa xỉ và hóa chất.
Bên cạnh đó, các công ty lớn "có sự chuẩn bị tốt hơn trước các cú sốc", do họ có thể phòng trừ rủi ro tỷ giá biến động, Mutricy giải thích. "Họ có thể mua trước ngoại tệ với tỷ giá phù hợp để phòng trừ biến động lớn trong tương lai", ông nói.
Với tăng trưởng kinh tế và nợ
Đồng euro giảm trên lý thuyết sẽ khiến giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tại châu Âu, từ đó kích thích kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, lợi ích này có thể bị lấn át bởi giá hàng hóa tăng vọt do xung đột Ukraine, đặc biệt là tại các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Đức.
Tác động lên khả năng trả nợ thì mơ hồ hơn. Mejean cho rằng nền kinh tế càng tăng trưởng tốt, khả năng trả nợ càng cao. Tuy nhiên, đó là với điều kiện các thị trường tài chính coi nợ của châu Âu là an toàn và lãi suất vẫn ở mức thấp.
Còn với các nước phát hành trái phiếu bằng USD, giá euro giảm so với USD chỉ càng khiến khối nợ của họ thêm nặng nề.
Với các ngân hàng trung ương
Nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao sẽ càng khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất nhanh hơn. Cơ quan này thông báo trong tháng 7 sẽ nâng lãi lần đầu tiên trong 11 năm.
"Thách thức từ việc lấy lại quyền kiểm soát lạm phát sẽ tăng lên khi tỷ giá kéo hàng nhập khẩu lên cao", De Vijlder nói.
Cuối tháng 5, Ngân hàng Trung ương Pháp hồi tháng 5 từng nhận định đồng euro yếu đi sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực kiềm chế lạm phát của ECB. Lạm phát eurozone đã lên 8,6% trong tháng 6.
Hà Thu (theo AFP)