Loạn giá thuốc cúm A
Theo báo cáo mới đây nhất của Sở Y tế Hà Nội, đến khoảng giữa tháng 7/2022 thủ đô ghi nhận hơn 2.000 ca mắc cúm. Tình trạng xuất hiện nhiều ca bệnh cúm A khiến người dân lo ngại và tìm đến các cơ sở y tế để mua thuốc điều trị.
Tại một hiệu thuốc nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), không khó để chứng kiến cảnh nhiều người đang chen chúc mua thuốc Tamiflu cho người nhà mắc bệnh cúm A.
Chị Đ.T.M.Y cho biết, chồng chị đang mắc bệnh cúm A và được nhiều đồng nghiệp rỉ tai nên tìm thuốc Tamiflu.
"Chồng mình có triệu chứng sổ mũi, sốt, đau mỏi người. Nhiều người khuyên nên dùng thuốc Tamiflu (thuốc chuyên điều trị cúm A) nên mình tìm hỏi mua chứ không có chỉ định của bác sĩ", chị Y. cho biết.
Giá thuốc Tamiflu tăng nhanh chóng mặt sau khi các ca cúm A bùng phát tại Hà Nội
Tại một hiệu thuốc khác nằm trên quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Tamiflu cũng có giá 770.000 đồng/1 vỉ 10 viên nang.
Nhân viên tại hiệu thuốc này cho biết, giá loại thuốc này thời gian trước chỉ giao động từ 500.000 - 650.000 đồng. Thế nhưng, khoảng 1 tháng trở lại đây nguồn hàng nhập khan hiếm nên thuốc được đẩy lên với giá cao hơn.
Trước thực trạng thuốc Tamiflu được bán với giá khá cao khi dịch bệnh cúm A đang ngày một có xu hướng gia tăng, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có bảng niêm yết công khai giá trên website.
Cụ thể, thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
Cùng với thuốc Tamiflu, kit xét nghiệm cúm A cũng đang là mặt hàng "hot" được rao bán nhiều trên các chợ thuốc online với giá từ 70.000-80.000 đồng/hộp. Tại các hiệu thuốc, mặt hàng này cũng tăng đột biến do nhiều gia đình hễ thấy con sốt cao là mua kit về để test xem con có mắc cúm A hay không.
Có nên tự ý uống thuốc điều trị cúm A?
Trước thực trạng trên, TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu cho trẻ sử dụng mà thuốc này cần có sự chỉ định của bác sĩ, tránh tác dụng phụ.
Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc trị cúm A tại nhà
Thuốc này thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng. Khi trẻ mắc cúm A cần phải chú ý hạ sốt cho trẻ, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế người lớn tiếp xúc với em bé làm bé có bội nhiễm cao hơn. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng ở trẻ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên lạm dụng mua kit test cúm A để kiểm tra tại nhà vì không cần thiết.
Theo Cục Y tế dự phòng, tác nhân gây bệnh cúm mùa chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh cúm mùa có những biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho...
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn.
Nguyễn Phượng
Theo Trí Thức Trẻ