vĐồng tin tức tài chính 365

Quy hoạch điện VIII dự kiến bỏ hơn 14.000 MW điện than

2022-07-28 04:07

Trong báo cáo mới nhất gửi Thường trực Chính phủ ngày 25/7, Bộ Công Thương cho biết, phương án phát triển nguồn điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát là giảm tối đa điện than, từ 25-31% vào năm 2030 về còn xấp xỉ 10% năm 2045.

Ngoài ra, dự án điện than mới sẽ không được phát triển sau năm 2030, và xem xét chuyển một số dự án dùng nhiên liệu than sang sử dụng LNG và phát triển điện khí LNG ở quy mô phù hợp. Việc này được Bộ Công Thương nhấn mạnh là để đạt mục tiêu cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 về trung hoà carbon vào năm 2050.

Sau rà soát lại các dự án điện than, Bộ Công Thương đề xuất Quy hoạch điện VIII loại bỏ 14.120 MW nhiệt điện than. Trong số này có 8.420 MW do các tập đoàn Nhà nước được giao làm chủ đầu tư.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao 3.600 MW, gồm các dự án Quảng Trạch 1, Tân Phước 1 và Tân Phước 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư dự án Long Phú 3, công suất 1.980 MW. Còn Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840 MW, gồm dự án Cẩm Phả 3, Hải Phòng 3 và Quỳnh Lập 1.

Ngoài ra, còn dự án đầu tư theo hình thức BOT khoảng 4.500 MW và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW.

Riêng 3 dự án đầu tư theo hình hức BOT, chủ đầu tư các dự án Vũng Áng 3 là Công ty Samsung C&T và dự án Long Phú 2 là Công ty TATA Power đã có văn bản xin rút và được Thủ tướng đồng ý.

Còn lại dự án BOT Quỳnh Lập 2 (công suất 1.200 MW) mới được Thủ tướng giao cho Công ty Posco Energy nghiên cứu, phát triển, chứ chưa chính thức giao cho doanh nghiệp này làm chủ đầu tư. Posco Energy đang đề xuất chuyển dự án này từ nhiệt điện than sang khí LNG và nâng công suất dự án. Tuy nhiên, dự án này được phát triển theo hình thức BOT và Posco Energy có được làm chủ đầu tư dự án tiếp hay không phải theo quy định Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP).

Bộ Công Thương đánh giá, các dự án do các tập đoàn Nhà nước làm chủ đầu tư không có rủi ro pháp lý, các chi phí phát triển do các tập đoàn đã bỏ ra không lớn, sẽ được xử lý. Do đó, cơ quan này xin ý kiến Thường trực Chính phủ bỏ các dự án điện than không còn phù hợp.

Thay vào đó, dự thảo Quy hoạch điện VIII tính toán và đưa ra phương án thay thế công suất điện than bằng 12.000-15.000 MW điện năng lượng tái tạo và khoảng 14.000 MW điện khí LNG - nguồn điện nền được coi là sạch hơn. Do đó, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch hơn 2.428 MW điện mặt trời đến năm 2030. Đây là các dự án, hoặc phần dự án đã được quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành... với tổng chi phí đầu tư khoảng 12.700 tỷ đồng. Việc này được giải thích là để tránh rủi ro pháp lý, đền bù cho các nhà đầu tư.

Bộ này kiến nghị Thường trực Chính phủ xem xét thông qua đề án Quy hoạch điện VIII với cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong cả hai trường hợp, là có hoặc không bổ sung hơn 2.428 MW điện mặt trời vào vận hành trước năm 2030.

Nếu hơn 2.428 MW được chấp thuận phát triển tiếp đến 2030 thì tổng công suất các nhà máy điện khoảng 120.995- 148.358 MW (không gồm điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện đồng phát). Tỷ trọng điện gió, điện mặt trời, sinh khối... khi đó sẽ chiếm khoảng 18-24% tổng công suất nguồn điện năm 2030.

Với các dự án điện mặt trời đã quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư (tổng công suất trên 4.136 MW), Bộ Công Thương đề nghị giãn sang giai đoạn sau năm 2030 mới phát triển tiếp để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống.

Trường hợp nếu các nguồn điện khác chậm tiến độ, và điều kiện kỹ thuật hệ thống điện tốt hơn, đảm bảo hấp thụ mức độ cao hơn điện mặt trời và an toàn, kinh tế các nguồn điện khác trong hệ thống..., cơ quan quản lý sẽ cân nhắc, báo cáo Chính phủ việc có cần đẩy sớm vận hành số dự án này hay không.

Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, cách đây hai ngày, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan góp ý và gửi cơ quan thường trực Chính phủ ngày 28/7.

Dự thảo quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng lần 1 vào tháng 3/2021. Sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa cuối tháng 4, Bộ này đã trình lại Thủ tướng lần 3 bản. Dự thảo quy hoạch này đã hai lần được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, nhưng tới giờ vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt.

Anh Minh

Xem thêm: lmth.5882944-naht-neid-wm-000-41-noh-ob-neik-ud-iiiv-neid-hcaoh-yuq/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quy hoạch điện VIII dự kiến bỏ hơn 14.000 MW điện than”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools