Trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Ngày 29-7, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có công văn đề nghị các nhà đầu tư dự án BOT khẩn trương triển khai phương án phân luồng, tổ chức giao thông, kết nối liên thông để thu phí không dừng (ETC) theo yêu cầu của Chính phủ.
Các trạm chỉ duy trì một làn hỗn hợp trên một chiều chạy, và phải hoàn thành trước ngày 31-7.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (BOT cầu Phú Mỹ) và Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (BOT Xa lộ Hà Nội) cần bổ sung biển báo, kẻ vạch sơn hướng dẫn cho các xe vào làn thu phí.
Đối với khu vực trạm thu phí An Sương - An Lạc có lượng xe qua lại rất lớn, đặc biệt là vào thời gian cao điểm. Do đó, sở này đề nghị Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO tăng cường bố trí lực lượng điều tiết, hướng dẫn các xe đã dán thẻ đi vào làn thu phí ETC.
Sở Giao thông vận tải TP giao thanh tra giao thông, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ bố trí lực lượng tại trạm để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai phương án phân luồng của các nhà đầu tư trong tuần đầu tiên của tháng 8.
Công an TP.HCM được đề nghị chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường sắt - đường bộ phối hợp với thanh tra Sở Giao thông vận tải TP và các nhà đầu tư dự án điều tiết giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông được yêu cầu xử phạt nghiêm theo đúng quy định với các xe cố tình vi phạm hoạt động thu phí theo hình thức ETC, gây mất trật tự giao thông.
Theo yêu cầu của Chính phủ, sau ngày 31-7, các trạm thu phí lắp đầy đủ làn thu phí ETC, chỉ để lại 1 làn hỗn hợp (ETC kết hợp tiền mặt). Trạm nào không hoàn thiện sẽ phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đối với các tuyến cao tốc, phải triển khai thu phí hoàn toàn tự động.
TTO - Hôm qua 26-7, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến cao tốc ở phía Nam đầu tiên triển khai thu phí không dừng (ETC).