Tốt nghiệp hai ngành kinh tế văn hóa và điện ảnh ở Pháp, làm việc trong lĩnh vực phim ảnh và sách tại Pháp và Việt Nam, nhưng dự án mang về tiếng vang lớn và ghi danh TRẦN HẢI ANH vào danh sách Under 30 Asia 2023 của tạp chí Forbes lại là quyển truyện tranh Sống.
Hải Anh đang làm quản lý dự án (project manager) cho một quyển sách về kiến trúc Pháp ở Hà Nội, dự kiến ra mắt cuối năm nay. Cô cũng mới viết truyện thứ hai cho một tạp chí truyện tranh Sci-Fi (khoa học viễn tưởng) lớn ở Pháp.
Hải Anh kể: "Tại liên hoan Angoulême International Comics Festival vừa rồi, chú tổng biên tập có tới chúc mừng Hải Anh và Pauline (đồng tác giả Sống), rồi hỏi muốn viết cho tạp chí không?
Tụi mình chỉ biết "Wow", vì đó là tạp chí truyện tranh "huyền thoại" của Pháp, được làm ở đó là một ước mơ, cũng là một sự công nhận của cộng đồng truyện tranh khi xuất hiện cùng những tên tuổi lớn. Tạp chí có phiên bản ở Pháp, Mỹ và thỉnh thoảng ở Nhật nữa!".
Hành trình đẹp với truyện tranh Sống
* Chúc mừng Trần Hải Anh. Bạn có thể bật mí đôi chút về tác phẩm truyện tranh thứ hai sau Sống?
- Đó là một truyện ngắn chín trang về Việt Nam và liên quan đến chủ đề mèo. Hai đứa mình đều rất yêu mèo.
Tạp chí truyện tranh lớn nhất ở Pháp lại muốn tụi mình viết về mèo ở Việt Nam. Một đề xuất hoàn hảo! Hải Anh đã viết xong và Pauline cũng sắp vẽ xong. Quá là vui!
* Trước Sống, Hải Anh chuyên làm việc liên quan đến điện ảnh. Bạn có từng hình dung sẽ viết truyện tranh, thành công và lại còn ra tiếp truyện thứ hai?
- Mọi thứ đều vượt ngoài tưởng tượng, vì Hải Anh không nghĩ sẽ thích viết. Từ nhỏ, Hải Anh phải vật lộn với ngôn ngữ vì ở nhà nói tiếng Việt, vô trường mới học và nói tiếng Pháp. Nhiều năm sau về Việt Nam, mình lại không thông thạo tiếng Việt...
Có vẻ ngôn ngữ không dành cho mình? Nhưng có một giai đoạn thất vọng vì không đậu vào trường mình muốn, Hải Anh đọc cực kỳ nhiều truyện tranh, trong đó có những truyện về chiến tranh, về mối quan hệ giữa các thế hệ... Điều đó thôi thúc Hải Anh muốn kể lại câu chuyện của mẹ.
Thế là cứ làm! Hải Anh được Pauline ủng hộ, rồi tìm cách gặp nhà xuất bản, thuyết phục mọi người... Vui nhất là ai cũng đồng ý ngay lập tức vì chuyện của mẹ quá hay, quá đặc biệt.
Từ những gì mẹ kể về cuộc sống năm 16 tuổi trong rừng ở Việt Nam, thông qua Hải Anh rồi qua nét vẽ của Pauline, thật vui khi Sống có thể khiến rất nhiều độc giả từ con nít đến người lớn đều xúc động... Đó là một hành trình kỳ diệu và tuyệt đẹp.
* Vậy đâu là trải nghiệm tâm đắc nhất mà Hải Anh có được từ dự án đầu tay này?
- Có những khoảnh khắc rất cảm động. Một là lúc Hải Anh cho mẹ xem Sống lần đầu. Có những trang khiến mẹ dừng lại lâu ơi là lâu, vì nhân vật đó làm mẹ nhớ. Có nhiều người đã qua đời, và mẹ xúc động khi thấy hình ảnh trong ký ức được vẽ lại.
Hai là từ những chia sẻ của độc giả. Hải Anh viết Sống để kết nối với mẹ, mọi người mua Sống để tặng cha mẹ, bạn bè, con cái... với những lý do riêng, và lý do nào cũng đẹp. Vừa rồi đi ký tặng ở Thụy Sĩ, có một ông bố chạy từ thành phố khác tới chỉ để gặp tác giả, kể rằng con gái chú mới đi Việt Nam một mình về và rất thích.
Chú tặng Sống để nói rằng cha rất tự hào về con. Tác phẩm của mình đã đi rất xa khỏi thế giới của mình và tạo ra những kết nối đặc biệt...
* Và cả việc được ghi vào danh sách Under 30 Asia 2023 của Forbes?
- Bất ngờ quá chừng, mới đầu Hải Anh cứ tưởng giỡn (cười)! Điều mình tự hào nhất với danh sách này là được công nhận như một người châu Á.
Trước đó, Hải Anh luôn thấy mình "rất Pháp", không đủ "Việt Nam". Nên khi được xem là một trong những gương mặt châu Á có ảnh hưởng, mình rất vui!
Di sản từ mẹ là một đặc ân
* Vì sao Hải Anh nghĩ mình "rất Pháp", còn phần "Việt Nam" trong Hải Anh thì thế nào?
- Hải Anh mang dòng máu Việt, vì cha là Việt kiều còn mẹ là người Việt, nhưng mình sinh ra và lớn lên ở Pháp, và suốt 27 năm gần như không ra khỏi Paris.
Mình học hành, chơi với bạn bè, cách tư duy... đều hoàn toàn Pháp, chỉ về nhà là có văn hóa Việt, có đám giỗ, có Tết...
Người ta nói một người khó nhận ra nguồn gốc bản thân cho đến khi ra nước ngoài và đối mặt với văn hóa khác. Ở Pháp, mình giống người Việt. Còn về Việt Nam, mình lại quá... Pháp.
Nhưng sau ba năm, Hải Anh thực sự cảm thấy Việt Nam là nhà. Giờ nếu bay đi đâu lâu quá, lại nhớ Sài Gòn, nhớ hai con mèo và người yêu...
Việt Nam có nhiều điều mới để mình khám phá, và cả về gốc Việt của mình. Ngày xưa Hải Anh rất sợ ngôn ngữ, giờ thì viết và ngôn ngữ lại là cách giúp mình duy trì sự kết nối hai phần Việt Nam và Pháp trong chính mình.
* Vậy hành trình khám phá bản thân của Hải Anh có khác nhiều so với thời còn ở Pháp?
- Khác hoàn toàn! Giờ Hải Anh rất thích viết sách các loại, không chỉ truyện tranh. Mình cũng tiếp tục các dự án phim ngắn, điện ảnh... Hải Anh chuyên làm đủ thứ! Nhiều lúc cha mẹ cũng sốt ruột, nhưng chỉ làm một thứ thì hơi... buồn.
Hồi nhỏ, cha nói Hải Anh: "Mọi thứ bắt đầu thú vị lúc mình nghiên cứu sâu".
Hải Anh làm theo và đúng vậy. Xét đến cùng, mình viết sách, viết kịch bản, làm phim... đều là kể chuyện, chỉ là ngôn ngữ khác nhau. Điều quan trọng nhất là cảm xúc nào đã thôi thúc mình muốn kể?
* Còn lý do ban đầu Hải Anh viết Sống để kết nối sâu sắc hơn với mẹ, có được như mong đợi?
- Chắc chắn! Hải Anh hiểu mẹ nhiều hơn. Điều ngạc nhiên nhất của hai mẹ con là khoảng cách tuổi rất lớn, văn hóa rất khác, gây lộn cũng rất nhiều (cười), nhưng cuối cùng lại cực kỳ thân. Từ nhỏ, chuyện gì mình cũng kể với mẹ, có thể vì là con một.
Giai đoạn hơi khó là tuổi dậy thì. Nhưng nhờ Sống, mình nhận ra năm 16 tuổi, mẹ ở trong rừng và Việt Nam đang chiến tranh. Còn mình 16 tuổi ở Pháp, vấn đề chỉ là dậy thì và tình cảm tuổi teen... Quá khác nhau, sao mẹ hiểu được?!
Hải Anh cũng mới nhận ra mình không làm phim để có phim, mà khi có một câu chuyện quá hay, nó sẽ thôi thúc mình muốn làm phim, làm sách, làm gì đó... Mọi thứ bắt đầu từ câu chuyện, và mình không bị giới hạn bởi hình thức thể hiện. Đó là một đặc ân.
Đặc ân thứ hai là di sản từ mẹ. Mẹ cho Hải Anh niềm tin cái gì cũng làm được, cứ làm đi. Hải Anh có kể trong sách là hồi nhỏ, mình luôn nhìn mẹ như một super hero (siêu anh hùng).
Bây giờ vẫn vậy, nhân lên một trăm lần! Vì ai cũng nói mẹ cao tuổi rồi, nên về hưu này kia, nhưng mẹ cứ tiếp tục, không bao giờ than mệt...
* Đó cũng là động lực cho Hải Anh luôn tiếp tục với những dự án mới của mình?
- Con cái luôn nhìn vào cách sống của cha mẹ mà! Hải Anh cũng đang trở lại điện ảnh với một dự án mới kể về lần đầu khám phá nghệ thuật của một em bé 6 tuổi, lấy cảm hứng từ một chuyện có thật mà mình từng chứng kiến khi soát vé sân khấu phụ mẹ. Chi tiết hơn thì... khi nào chắc chắn, Hải Anh sẽ bật mí nhé!
Hải Anh mê những câu chuyện về phụ nữ, và dễ khóc khi có những yếu tố liên quan gia đình. Điều này rất Á Đông, vì ở Pháp, người ta hay làm phim tình yêu đôi lứa chứ ít đề cập gia đình như phim Hàn hay Nhật.
Hải Anh viết về gia đình rồi, tương lai cũng muốn thử kể về tình yêu. Mình thích những nhân vật có hành trình thay đổi sâu sắc từ bên trong hơn là chỉ bên ngoài.
Hải Anh sinh ra và lớn lên ở Pháp, tốt nghiệp kinh tế văn hóa Trường đại học La Sorbonne và Trường Điện ảnh ESEC ở Paris.
Cô là đồng tác giả của Sống - truyện tranh tiếng Pháp viết về chặng đường bảy năm sống trong rừng giữa kháng chiến chống Mỹ của mẹ là đạo diễn - biên kịch Việt Linh.
Truyện cũng chia sẻ về mối quan hệ phức tạp của Hải Anh với mẹ và nguồn gốc của mình - một 9X sống giữa hai quốc gia và hai nền văn hóa.
Từ 2020, Hải Anh về sống tại Việt Nam. Cô được vinh danh trong hạng mục Truyền thông, Marketing & Quảng cáo của Forbes Under 30 Asia 2023.
Trong vòng mười năm qua, khi truyện tranh Nhật Bản tràn ngập thị trường sách VN, không ít những người làm nghề và độc giả của thể loại này băn khoăn với câu hỏi: Đến bao giờ truyện tranh VN mới lên ngôi tại sân nhà?