Như vậy, hai sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai) được bổ sung so với đề xuất trước đó của Bộ Giao thông vận tải.
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 33 sân bay. Thay sân bay Cát Bi hiện nay thành sân bay Hải Phòng (nằm tại huyện Tiên Lãng). Sân bay Cát Bi thành sân bay quốc nội. Hai sân bay quốc nội mới là Cao Bằng và sân bay thứ hai vùng thủ đô Hà Nội.
Trong số này, lấy trung tâm là sân bay Long Thành (Đồng Nai) đang được nhiều kỳ vọng cho toàn khu vực phía Nam thì các sân bay khác như Thành Sơn, Biên Hòa, Phan Thiết, Cần Thơ sẽ được triển khai, nâng cấp thế nào? Ngoài ra, sân bay thứ hai của Hà Nội nằm ở đâu? là những câu hỏi đang được quan tâm khá nhiều.
Sân bay Biên Hòa, Thành Sơn có thể khai thác hàng không dân dụng
Sau khi lập tổ công tác nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về yếu tố kỹ thuật về hai sân bay quân sự Biên Hòa và Thành Sơn.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hai sân bay này có thể thiết lập vùng trời để khai thác hàng không dân dụng nhưng cần tiếp tục phối hợp, nghiên cứu hoạch định lại phương án tổ chức vùng trời và phương thức bay của cụm các sân bay liên quan nhằm tối ưu khai thác, bảo đảm phân cách, an toàn bay, đặc biệt là cụm các sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Long Thành, Biên Hòa.
Việc khai thác hàng không dân dụng tại hai sân bay Biên Hòa và Thành Sơn ảnh hưởng tới các cảng hàng không lân cận và hoạt động quân sự, tuy nhiên có thể từng bước khắc phục.
Báo cáo với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho hay đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, thiết kế phương thức bay, tổ chức vùng trời cho từng sân bay để làm cơ sở đánh giá chi tiết khả năng tổ chức hoạt động hàng không dân dụng cũng như bảo đảm các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị không quân.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải dẫn chứng có ý kiến cho rằng việc quy hoạch sân bay Biên Hòa thành cảng hàng không sẽ làm giảm năng lực tổng thể vùng trời của cụm ba sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất - Biên Hòa.
Vì vậy, đối với sân bay Biên Hòa, trước mắt để bảo đảm khai thác được hàng không dân dụng ít gây ảnh hưởng nhất đến năng lực thông quan của ba sân bay, cần nghiên cứu kỹ giữa hoạt động bay quân sự và điều hành bay hàng không dân dụng...
Theo Bộ Giao thông vận tải, qua dự báo nhu cầu vận tải, các đơn vị chuyên ngành hàng không đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn với công suất 1,5 triệu hành khách/năm và sân bay Biên Hòa với công suất 5 triệu hành khách/năm (giai đoạn đến năm 2030).
Bộ Giao thông vận tảicho rằng sau khi nghiên cứu tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng, tổ công tác đánh giá có thể tận dụng một phần kết cấu hạ tầng khu bay của hai sân bay Biên Hòa, Thành Sơn để khai thác hàng không dân dụng và cần đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay, công trình phục vụ khai thác hàng không dân dụng.
Hình thức đầu tư được đề xuất áp dụng theo phương thức đối tác công - tư, giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án...
Sân bay Long Thành: chậm tiến độ, khó giải ngân
Dự án sân bay quốc tế Long Thành đang tiếp tục giải phóng mặt bằng và các gói thầu dự án hạ tầng khu tái đinh cư Lộc An - Bình Sơn đang chậm tiến độ.
Cụ thể, lãnh đạo huyện Long Thành cho hay do thời gian thực hiện dự án kéo dài, vượt qua niên độ đã được Thủ tướng phê duyệt (2017 - 2021) nên không thể giải ngân.
Vì vậy, để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, huyện Long Thành phải xin ý kiến tỉnh tạm thời tạm ứng ngân sách địa phương để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho dân.
Ông Võ Tấn Đức, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thừa nhận vấn đề nan giải lúc này là nguồn vốn nên địa phương phải tạm ứng vốn để chi trả. Còn nguồn tiền từ trung ương chuyển về tính theo niên độ thì đã quá hạn nên nằm ở kho bạc, không thể giải ngân.
Không chỉ nguồn tiền chi trả bồi thường, một dự án thành phần ở khu dân cư, tái định cư Lộc An, Bình Sơn có đến sáu gói thầu xây dựng trường học chậm tiến độ cũng đang đặt ra "bài toán khó" để Đồng Nai hoàn thành tiến độ trong tháng 8-2023 như cam kết.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tại sáu gói thầu trên, tỉnh đã đồng ý chấm dứt thanh lý hợp đồng và thu hồi tiền tạm ứng hợp đồng. Đồng thời, giao ban quản lý dự án xây dựng của tỉnh lập thủ tục điều chỉnh dự toán giá gói thầu và chỉ định lựa chọn nhà thầu để thi công.
Tuy nhiên, theo ghi nhận một số công trình xã hội chậm trễ ở khu tái định cư vẫn chưa thể thi công tiếp. Theo một lãnh đạo sở ở tỉnh Đồng Nai, dù chỉ định thầu nhưng chưa có vốn "nên khả năng các công trình chậm trễ sẽ tiếp tục chậm trễ và lỗi hẹn".
Trong khi đó, UBND huyện Long Thành cũng đánh giá hiện nay có một số vị trí đất trong khu dân cư, tái định cư Lộc An, Bình Sơn đã tổ chức bốc thăm tái định cư cho các hộ dân, nhưng thực tế chưa có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để giao đất cho hộ dân xây dựng nhà ở.
"Tỉnh Đồng Nai phải hoàn thành việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trên để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2023. Khi trung ương điều chỉnh lại niên độ thực hiện dự án thì nguồn vốn trên mới tiếp tục giải ngân được", ông Võ Tấn Đức cho hay.
Hà Nội dự kiến xây sân bay thứ hai ở đâu?
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Dự kiến, tờ trình sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng vào ngày 3-7.
Nội dung tờ trình nêu sân bay thứ hai vùng thủ đô Hà Nội nằm ở phía nam, đông nam là cảng nội địa đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần thiết. Sân bay này dự kiến có công suất 30 - 50 triệu khách/năm, diện tích 1.300 - 1.500ha, sẽ triển khai sau năm 2030 với hai phương án vị trí.
- Phương án 1, địa điểm tại xã Tân Ước và xã Thanh Vân (huyện Thanh Oai), xã Tiền Phong và Tân Minh (huyện Thường Tín). Phương án này có ưu điểm khoảng cách vào trung tâm TP chỉ 20 - 30km; gần đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1, quốc lộ 21B, đường vành đai 4; gần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị tuyến 2A, tuyến số 1 kéo dài.
- Phương án 2, sân bay dự kiến đặt tại địa điểm xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường, Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa). Ưu điểm của phương án này sân bay nằm trên trục không gian phía nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ hai. Đồng thời, liên kết với đô thị vệ tinh Phú Xuyên - đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía nam.
PHẠM TUẤN
Đề xuất mở rộng sân bay Cần Thơ ra 10.000ha
Hiện nay, TP Cần Thơ đã có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, được xây dựng từ những năm 1960 có đường hạ cất cánh 1.800m x 30m.
Sau đó, dự án được cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh dài 3.000m, rộng 45m bảo đảm tiếp nhận được các loại máy bay như A320, A321 và tương đương, nối Cần Thơ với Hà Nội cùng các địa phương khác. Nhà ga hành khách có diện tích gần 21.000m2, phục vụ 3 - 5 triệu khách/năm.
Tuy nhiên, do việc kết nối giao thông chưa đồng bộ nên thời gian qua hoạt động khai thác đi/đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ trong những năm gần đây vẫn luôn thấp.
Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Trường - chủ tịch UBND TP Cần Thơ, để hướng đến năm 2045 Cần Thơ sẽ thuộc nhóm các TP phát triển khá ở châu Á tại diễn đàn "Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế vùng ĐBSCL" mới đây, chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã kiến nghị Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực cùng với việc xây dựng thêm Cảng Cargo Logistics phục vụ hàng hóa chuyển bằng đường hàng không.
Đây là lý do để Cần Thơ làm cơ sở quy hoạch sân bay có diện tích khoảng 10.000ha.
MẬU TRƯỜNG
Sân bay Côn Đảo hoạt động bình thường
Dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Côn Đảo đang tìm nguồn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án này ban đầu được đề xuất đầu tư công nhưng đến tháng 4-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo việc mở rộng, nâng cấp sân bay này sẽ đầu tư theo phương thức PPP. Hiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm các thủ tục để kêu gọi đầu tư.
Sân bay Côn Đảo là sân bay dân sự cấp 3C và quân sự cấp 2 - đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương - công suất 300.000 khách mỗi năm.
Theo quy hoạch phát triển vận tải hàng không định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, sau khi nâng cấp sân bay Côn Đảo đạt cấp 4C, dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp 2), có công suất thiết kế 2 triệu khách/năm, 8 vị trí đỗ máy bay, diện tích đất dự kiến 141ha.
Do đó, hiện nay sân bay Côn Đảo vẫn hoạt động bình thường, không phải dừng để nâng cấp, mở rộng như thông tin trước đây.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có quy hoạch hai sân bay Đất Đỏ, Gò Đăng nhưng hai dự án này mới dừng lại ở giai đoạn tiền khả thi.
ĐÔNG HÀ
Sân bay Phan Thiết bao giờ hoạt động?
Sân bay Phan Thiết được phê duyệt quy hoạch từ năm 2013 với tính chất dân dụng - quân sự kết hợp. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong quá trình triển khai dự án, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư... địa phương và Bộ Quốc phòng đã đề xuất nâng cấp từ cấp 4C lên cấp 4E. Tức là sân bay Phan Thiết sẽ kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400m lên 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Năm 2018, Thủ tướng đã duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau đó, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết từ sân bay cấp 4C lên thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E. Hiện nay, hạng mục quân sự và đường cất hạ cánh tại sân bay Phan Thiết đang triển khai thi công xây dựng đạt trên 60% khối lượng.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT giữa tỉnh Bình Thuận với Công ty cổ phần Rạng Đông. Do hạng mục dân dụng có tổng mức đầu tư dự án tăng trên 10% (điều chỉnh từ cấp 4C lên 4E), vì vậy dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Với hạng mục này, tỉnh đang hoàn chỉnh văn bản báo cáo, bổ sung toàn bộ diễn biến sau thời điểm ký kết để tham vấn Bộ GTVT trong việc chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn. Trong đó, tỉnh tập trung bám sát "lý do và căn cứ" để chấm dứt hợp đồng. Trên cơ sở ý kiến hướng dẫn từ bộ, tỉnh sẽ hoàn chỉnh dự thảo văn bản thỏa thuận điều kiện chấm dứt hợp đồng trước khi làm việc với Công ty cổ phần Rạng Đông.
Vừa qua, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận phải rà soát năng lực, xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải công khai, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo uy tín, năng lực để hoàn thành công trình đồng bộ với sân bay quân sự. Đến nay, tỉnh đã có văn bản gửi nhà đầu tư hiện tại đề nghị thống nhất chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.
Ngoài ra, dự án đang còn một số vướng mắc như kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của một số địa phương lân cận dự án chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai các bước giải phóng mặt bằng phần còn lại. Danh mục một số hạng mục công trình thu hồi đất chưa được HĐND tỉnh thông qua, một số hạng mục chưa đăng ký chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp vào kỳ quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2025 nên chưa có cơ sở thực hiện thủ tục theo quy định.
ĐỨC TRONG
UBND TP Hà Nội vừa trình hai vị trí dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 ở thủ đô để HĐND TP Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng vào ngày 3-7 tới.