Ngày đó, trong ba lô của Phạm Hồng Thắm lúc nào cũng có hai bịch muối, cô đi chào hàng ở các spa, cửa hàng thực phẩm sạch... Mỗi bịch muối bán được cũng khiến Thắm hạnh phúc.
Sinh ra và lớn lên trên đồng muối, thấu hiểu nỗi khổ của bà con quê mình. Thắm muốn xã hội trả lại công bằng cho muối.
"Tôi tự hỏi vì sao muối là thực phẩm thiết yếu, ai cũng sử dụng nhưng người làm ra muối lại "bán mồ hôi kiếm bạc lẻ". Lúc đó tôi đi bán muối ai cũng nói tôi khùng, mà đúng là tôi cũng khùng khùng thiệt", Thắm hài hước.
Đến nay, Thắm muối Sahu đã trở thành thương hiệu trên khắp cả nước. Muối Sahu đã có mặt trên kệ hàng gần 50 đại lý khắp cả nước. Nhiều sản phẩm muối hột, muối hầm, hoa muối, muối tre... đã rời Việt Nam xuất sang các nước.
Sắp đến Công ty muối Sahu của Thắm sẽ xuất 10 tấn muối tre qua Đài Loan, đây là đơn hàng lớn đầu tiên giúp Thắm đạt nguyện vọng "trả lại danh phận cho muối", giúp diêm dân sống khỏe với nghề.
Thắm chia sẻ: "Thời kỳ bán muối thô đã qua, nay là "tạo tinh" cho muối, bán cho thế giới những sản phẩm chất lượng từ đồng muối truyền thống Sa Huỳnh. Cùng người dân làm du lịch cộng đồng, đưa du khách đến đồng muối và những cảnh điểm tuyệt đẹp của quê hương. Hy vọng bà con làm muối, bán muối và bán được câu chuyện của muối để kiếm thêm thu nhập".
Từ hành trình "khùng khùng" giờ Thắm làm được những điều không tưởng, xưởng sản xuất của Thắm tạo việc làm cho người dân địa phương. Muối Sahu cũng là sản phẩm OCOP đạt chuẩn bốn sao.
Chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Thành Út (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã muối Sa Huỳnh) khi ông đang đu đưa trên chiếc võng trong căn chòi ở giữa đồng muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).