Sáng 12-7, phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu tiếp tục phần thẩm vấn. Ngoài làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ, hội đồng xét xử cũng xét hỏi các bị cáo về kế hoạch "chạy án".
Tòa hỏi đối với ông Lê Hồng Sơn, tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó tổng giám đốc Công ty Bluesky (Công ty Bầu Trời Xanh).
Đây là hai bị cáo đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ án này, lên tới hơn 100 tỉ đồng để "chạy" cấp phép chuyến bay giải cứu và "chạy án".
Trong khi thẩm vấn hai bị cáo này, ông Nguyễn Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Công an Hà Nội) và Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra) vẫn bị cách ly.
Nếu không hối lộ thì không được cấp phép
Khai tại tòa, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết đã sử dụng nhiều pháp nhân để xin cấp phép "chuyến bay giải cứu". Doanh nghiệp của bà Hằng đã được cấp phép 109 chuyến bay.
Khi bị hỏi về việc đưa hối lộ cho quan chức trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, bị cáo Hằng ngập ngừng rồi nói: "Bị cáo đã thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra và xác nhận là hoàn toàn đúng sự thật, không thay đổi gì cả".
Chủ tọa giải thích cho Hằng biết tòa cần kiểm tra lại chứng cứ, lời khai của bị cáo.
"Vì bị cáo đưa tiền cho nhiều người, đưa nhiều lần nên không nhớ được hết, đề nghị hội đồng xét xử trích cáo trạng", bị cáo Hằng phân trần.
Sau khi chủ tọa đọc lại lời khai của bà Hằng, bà xác nhận đã hối lộ như cáo buộc của cơ quan tố tụng tổng 63 lần, số tiền hơn 38,5 tỉ đồng. Trong đó bà đã hối lộ ông Tô Anh Dũng (thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 5 tỉ đồng, đưa cho ông Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ) 3,2 tỉ đồng, hối lộ bà Nguyễn Thị Hương Lan - cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) 5,9 tỉ đồng…
Ngoài ra, bị cáo Hằng còn xác nhận đã đưa hối lộ một số cá nhân tại Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Bà Hằng cho biết khi xin cấp phép chuyến bay giải cứu, cán bộ tại Cục Xuất Nhập cảnh và Bộ Y tế có đòi hỏi phải chi tiền.
"Trước đó, doanh nghiệp của bị cáo cũng xin cấp phép song không được nhiều hoặc sát giờ bay mới được cấp phép. Bị cáo thấy nếu không đưa tiền sẽ không được cấp phép nhiều như thế", bà Hằng phân trần.
Chi 2,8 triệu USD "chạy án"
Tại tòa, bị cáo Hằng xác nhận khi vụ án được điều tra, lo sợ bị xử lý hình sự nên đã cùng với tổng giám đốc công ty là ông Lê Hồng Sơn tìm đến ông Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là phó giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ tìm mối quan hệ can thiệp "chạy án".
Tuy nhiên, trong phần khai về quá trình "chạy án", bà Hằng nhiều lần im lặng trước câu hỏi của chủ tọa. Nhiều câu hỏi bà Hằng chỉ trả lời ngắn gọn "giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra".
"Bị cáo có người anh thân thiết là anh Tuấn, bị cáo tìm đến hỏi trong trường hợp của mình thì làm như thế nào và nhờ anh Tuấn tư vấn. Ban đầu anh Tuấn tư vấn bị cáo nên ra đầu thú. Sau đó bị cáo được anh Tuấn giới thiệu cho gặp anh Hoàng Văn Hưng", bà Hằng khai.
"Bị cáo gặp anh Hưng bao nhiêu lần?" - chủ tọa hỏi. "Bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra và không nhớ số lần chi tiết", bà im lặng một lúc rồi trả lời ngắn gọn.
"Bị cáo có được anh Tuấn bố trí cho gặp anh Hưng tại nhà riêng của anh Tuấn?" - chủ tọa tiếp tục truy.
Bà Hằng khai qua giới thiệu của ông Tuấn biết ông Hưng là điều tra viên trong vụ án. "Bị cáo được anh Tuấn bố trí đến nhà gặp anh Hưng nhiều lần. Trong các buổi gặp đấy đầu tiên anh Hưng tư vấn bị cáo ra tự thú, sau đó hướng dẫn viết bản tường trình", bà Hằng khai đến đây thì ngập ngừng rồi lặp lại câu nói "nội dung này bị cáo đã khai hết tại cơ quan điều tra rồi".
"Nếu bị cáo không nhớ thì nói không nhớ, việc tòa hỏi vẫn phải hỏi. Hưng có nói quyết tâm cứu Sơn không?" - chủ tọa hỏi.
Bà Hằng xác nhận ông Hưng có hỏi mình rằng "có quyết tâm cứu Sơn không?". Bà cũng xác nhận quá trình trao đổi, bàn bạc kế hoạch chạy án "cứu Sơn" đã nhiều lần đưa tiền cho phó giám đốc Công an Hà Nội.
"Bị cáo đã đưa cho anh Tuấn tổng số 2,8 triệu USD". "Mục đích đưa tiền làm gì?", chủ tọa hỏi.
"Bị cáo cứ khai báo thoải mái, tòa không ép. Tòa nhắc lại mục đích đưa tiền để làm gì?", chủ tọa nhắc lại câu hỏi.
Bà Hằng tiếp tục im lặng một lúc rồi trả lời: "Bị cáo đưa tiền để giúp bị cáo Sơn không bị xử lý hình sự". Nữ phó tổng giám đốc xác nhận ông Sơn cùng thống nhất và biết việc đưa cho cựu phó giám đốc Công an Hà Nội 2,8 triệu USD. "Việc anh Tuấn đưa tiền cho Hưng như thế nào thì bị cáo không biết", bà Hằng nói.
Đến phần mình, ông Sơn thừa nhận có chi tiền hối lộ cho các cán bộ tại Văn phòng Chính phủ, vì thấy "họ làm việc cả thứ bảy và chủ nhật, rất vất vả".
Ông Sơn khai việc chi tiền còn nhằm mục đích được tạo điều kiện cho các chuyến bay sau này. Nguồn tiền để hối lộ, theo lời bị cáo Sơn, lấy từ các khoản đặt cọc của khách hàng.
Trong giai đoạn tổ công tác 5 bộ phê duyệt chuyến bay giải cứu, ông Sơn đã 5 lần đưa cho Phạm Trung Kiên (thư ký của thứ trưởng của Bộ Y tế) tổng số tiền là 3,6 tỉ.
Ông Sơn cũng khai có được bà Hằng trao đổi, bàn bạc liên quan việc chi tiền "chạy án". "Hằng có bàn bạc việc đưa tiền cho anh Tuấn và Hưng. Lần đầu muốn giúp đỡ thì đưa cho các anh tạm 200.000 USD. Những lần sau đưa tiền có lúc nói trước khi đưa hoặc xong rồi mới nói. Tổng số tiền đã chi cho anh Tuấn là 2,8 triệu USD".
Đến nay cả ông Sơn và bà Hằng được xác định là bị hại do bị ông Hoàng Văn Hưng lừa đảo. Cả hai bị cáo này mong muốn được nhận lại số tiền đã chi "chạy án".
“Có quyết tâm cứu Sơn hay không?” - câu hỏi của cựu trưởng phòng thuộc cơ quan an ninh điều tra “mở đường” cho kế hoạch chạy án được bàn bạc tại nhà của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội nhằm giúp một tổng giám đốc thoát tội vụ "chuyến bay giải cứu".