Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Thảo, 36 tuổi, sống ở Hà Nội, về việc đi xe buýt và đề án cấm xe máy:
Dạo gần đây, đọc tin tức thấy mọi người khá quan tâm đến dự định cấm xe máy ở các quận Hà Nội vào năm 2030.
Là một người đi xe buýt, đáng ra lệnh cấm này không ảnh hưởng đến tôi. Thực tế ngược lại, bởi một khi lệnh cấm được ban hành chính thức, tôi sợ xe buýt sẽ trở nên quá tải, nếu không có gì thay đổi.
Theo tôi, ít nhất hệ thống giao thông công cộng Việt Nam phải được như Hàn Quốc, tốt hơn nữa thì quá tuyệt. Khi đó lệnh cấm xe máy mới ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Là một người sử dụng xe buýt hằng ngày, tôi cảm nhận rất rõ những bất tiện mà xe buýt Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung còn tồn tại. Từ chiếc xe, tài xế, nhân viên thu vé cho đến bến bãi, đường đi bộ.
Xe buýt ở Seoul như thế nào?
Ban đầu, tôi cho rằng đã sử dụng phương tiện công cộng thì phải chấp nhận thôi. Nhưng bốn năm trước, tôi từng đi du lịch Hàn Quốc, cụ thể hơn là Seoul, và trải nghiệm ở đó khiến tôi thay đổi suy nghĩ.
Vì du lịch tự túc, tôi có thể tự trải nghiệm nhiều thứ nằm ngoài tour. Không có xe khách đưa đón, tôi tự sử dụng tàu điện ngầm và xe buýt để di chuyển giữa các địa điểm. Tôi rất ngạc nhiên trước sự tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng ở đây.
Về xe buýt, Seoul có nhiều chuyến, nhiều tuyến để lựa chọn, do đó thường không phải chờ quá lâu. Mua vé không cần tiền mặt, có thể mua tại bất cứ cửa hàng tiện lợi nào. Xe ra vào bến một cách từ tốn, không có hiện tượng chạy đuổi giờ. Trên xe có thông báo về điểm đến tiếp theo.
Trạm xe buýt sạch sẽ, thường có mái che. Ở phía trên có bảng điện tử hiển thị số xe sắp đến cũng như thời gian.
Đặc biệt, người đi bộ được ưu tiên rõ rệt. Vỉa hè rộng rãi, bằng phẳng. Không có hiện tượng chỗ này đào chỗ kia lấp, không có xe đỗ chiếm hết vỉa hè. Do đó, tôi có thể đi giày cao, điều không thể làm ở Việt Nam.
Sang đường cũng không phải lo nghĩ, vì mọi xe cơ giới đều phải ưu tiên người đi bộ. Cụ thể hơn, chỉ cần thấy tôi đứng chờ sang đường (ngay cả ở nơi không có đèn, miễn là có vạch qua đường), các xe đi đến đã chạy chậm lại rồi dừng hẳn để nhường cho tôi qua trước.
Xe buýt ở Việt Nam đã tiện chưa?
Những vấn đề trên ở Việt Nam có điều đã được cải thiện, nhưng so với Hàn Quốc thì vẫn còn một khoảng cách. Nhưng có những điều vẫn y như cũ.
Chẳng hạn, số tuyến/chuyến xe buýt đã tăng lên, có ứng dụng theo dõi xe buýt, nhưng vẫn có những bến/chuyến xe không được ghi nhận trên đó. Và không dễ sử dụng với người cao tuổi. Một số xe ra vào bến chớp nhoáng, thậm chí bỏ bến.
Bến xe còn bẩn, đôi khi được bố trí không hợp lý. Chuyện điều chỉnh quy hoạch là chuyện thông thường. Vấn đề là một trạm thay đổi nhưng trạm tiếp theo thì có thể không. Do đó có thể xảy ra hiện tượng hai trạm kế tiếp cách nhau quá xa, rồi lại có những trạm trở nên rất gần.
Điều đáng phàn nàn nhất là muốn phát triển giao thông công cộng, nhưng giao thông lại không lấy người đi bộ làm chủ. Ở Việt Nam, người sang đường và người lái xe nhìn nhau như thể một cuộc đấu trí "ai nhanh hơn".
Hàn Quốc sở hữu hệ thống giao thông công cộng khá tốt. Vậy mà dường như vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Xe thường xuyên hết chỗ, vào giờ cao điểm rất chen chúc, khá giống cảnh tượng về quê ăn Tết.
Ở Seoul đã vậy. Tôi không rõ một khi Hà Nội cấm xe máy, liệu giao thông công cộng có đủ sức tải không.
Còn hiện tại, tôi vẫn có thể sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển hằng ngày bởi lượng người sử dụng chưa quá đông, số chuyến/tuyến vẫn đang đáp ứng được cơ bản, trạm xe gần nhà, tôi lại có nhu cầu đi bộ để giữ sức khỏe.
Nhưng có nhiều trường hợp xe buýt không đáp ứng được, do đó tôi vẫn phải giữ xe máy cá nhân để còn dự phòng.
Ngay cả một người thường xuyên đi xe buýt như tôi còn không thể thực sự bỏ được xe cá nhân, không rõ một khi lệnh cấm xe máy được áp dụng sẽ dẫn đến một bức tranh đô thị như thế nào.
Độc giả Nguyễn Thu Thảo
UBND TP Hà Nội vừa giao các đơn vị liên quan ưu tiên thực hiện đề án cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.