Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Đội quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục Quản lý thị trường Kiên Giang) vừa chuyển hồ sơ đến Cục Quản lý thị trường Kiên Giang để trình chủ tịch UBND tỉnh này xử phạt đối với 4 doanh nghiệp với tổng số tiền là 1,5 tỉ đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số lâm sản (ngà voi) không có hồ sơ hợp pháp có tổng trị giá trên 86 triệu đồng.
Trước đó, ngày 4 và 11-7, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lập biên bản tịch thu các tang vật vi phạm hành chính là sản phẩm động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Vào các ngày 11 và 12-5-2023, Đội quản lý thị trường số 1 đã phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp kinh doanh trang sức mỹ nghệ trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận và thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Qua kiểm tra, phát hiện tại các doanh nghiệp nêu trên đang kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có dấu hiệu nghi vấn làm từ ngà voi nên đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa bao gồm: 32 chiếc vòng đeo tay tròn trơn các loại, 20 chiếc nhẫn đeo tay và 6 mặt dây chuyền hình Phật để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Căn cứ dấu hiệu vi phạm, Đội quản lý thị trường số 1 trưng cầu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giám định số tang vật nêu trên và kết quả toàn bộ tang vật bị tạm giữ đều là ngà voi.
Qua quá trình xác minh, làm việc và xác định vi phạm, Đội quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 4 doanh nghiệp nêu trên do đã có hành vi vi phạm "mua bán lâm sản không có hồ sơ hợp pháp".
Do vụ việc vượt thẩm quyền xử phạt, Đội quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ đến Cục Quản lý thị trường Kiên Giang để trình chủ tịch UBND tỉnh xử phạt đối với 4 doanh nghiệp trên, với tổng số tiền là 1,5 tỉ đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số lâm sản (ngà voi) không có hồ sơ hợp pháp có tổng trị giá trên 86 triệu đồng.
Qua vụ việc trên, lực lượng chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải thường xuyên tìm hiểu, nắm vững kiến thức pháp luật đối với các loại hàng hóa đang kinh doanh, không được tàng trữ, buôn bán những mặt hàng không có hồ sơ hợp pháp, đặc biệt là các sản phẩm chế tác từ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm; trường hợp phát hiện sẽ bị xử lý hành chính rất nặng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông qua hai công ty ma, Tài đã nhập 456,9kg ngà voi, 138,784kg sừng tê giác, 6.230kg vảy tê tê, 3.108kg xương sư tử từ các nước châu Phi về Việt Nam.