Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023" vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố trong tuần đã cập nhật dự báo về 3 kịch bản tăng trưởng năm nay, trong đó, tích cực nhất là tăng trưởng GDP 6,46%, tiệm cận mục tiêu đề ra. Hai kịch bản còn lại, GDP sẽ là 5,72% và 5,34%.
Theo báo Đầu tư, kinh tế toàn cầu dù được dự báo là sẽ tích cực hơn nhưng khó khăn và những yếu tố bất định vẫn còn rất lớn. Như vậy, sẽ phải có thêm những nỗ lực hơn nữa trong thúc đẩy các động lực tăng trưởng thông qua kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn được Chính phủ xác định là 6,5%, giữ nguyên như chỉ tiêu Quốc hội giao. Như vậy, 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam phải cán mốc 8,9%.
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý II đã có dấu hiệu khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng và có sự nhích lên tương đối mạnh. Một số dự án FDI tương đối lớn đang có ý định đầu tư tại Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, điều đó cũng đồng nghĩa là những tín hiệu khởi sắc của quý II sẽ là điểm tựa để cho hai quý tiếp theo của năm 2023 lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, những "cơn gió ngược" vẫn còn có sự ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 là rất thách thức
Theo phân tích của tờ Thời báo Tài chính, sức cầu của thế giới vẫn còn rất thấp, vì vậy, việc kỳ vọng vào xuất khẩu là không quá lớn. Vì vậy, tăng trưởng của những tháng còn lại phụ thuộc vào hai động lực lớn. Đó là xúc tiến kích cầu trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.
Một tín hiệu đáng mừng , theo nhận định của báo Tiền phong, đó là nhiều dự án trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đã được khởi công, tái khởi động…, trở thành động lực thúc đẩy cho đầu tư, chi tiêu công của vùng. Điển hình là dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, các dự án xây cầu cũng đang được tái khởi động sau một thời gian dài vướng mặt bằng. Metro số 1 cũng đang gấp rút về đích và chuẩn bị khởi công tuyến Metro số 1 Bến Thành - Tham Lương. Ở Đồng Nai, các đơn vị chức năng cũng đã vào cuộc để kịp thời khởi công nhà ga sân bay Long Thành vào tháng 8 tới.
Tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm so với tiến độ ở nhiều bộ, ngành, địa phương thời gian qua đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền không đi vào lưu thông mà nằm trong kho bạc nhà nước.
Báo Lao động dẫn số liệu thống kê, hiện có tới 890 nghìn tỷ đồng đang nằm tại Ngân hàng Nhà nước và còn lại 130 nghìn tỉ đồng đang nằm tại ngân hàng thương mại. Đẩy mạnh đầu tư công, vì thế là thêm một kênh nữa để bơm vốn vào thị trường - Chìa khóa để phục hồi sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.77970749061703202-gnourt-gnat-ueit-cum-neih-cuht-gnort-cuht-hcaht-iaig-aoh/et-hnik/nv.vtv