NDAA là cơ sở cho loạt chi tiêu quân sự của Mỹ trong một năm tài chính và từ lâu đã trở thành một trong số ít các đạo luật thuộc loại "kiểu gì cũng phải thông qua". Nhưng NDAA cho năm tài khóa 2024 đang chứng kiến những tranh luận khác thường.
Vẫn còn "ải" Thượng viện
Ngày 14-7 giờ Mỹ, với 219 phiếu thuận và 210 phiếu chống, dự thảo NDAA được Hạ viện thông qua. Trong đó ấn định số tiền chi cho quân đội, gồm tăng lương cho quân nhân, các sáng kiến để chống lại Trung Quốc và thêm 300 triệu USD hỗ trợ Ukraine.
Hầu hết các mục được Bộ Quốc phòng đề xuất đều có sự thay đổi. Chẳng hạn trong phần phát triển vũ khí, mục dành cho tên lửa hành trình hải đối đất có khả năng mang hạt nhân ban đầu không có đồng nào, nhưng khi đến Ủy ban quân vụ Hạ viện đã được phân bổ thêm 190 triệu USD.
Về tổng thể, tổng số tiền so với ngân sách mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất không thay đổi nhiều. Sự thay đổi nằm ở các mục con bên trong. 886 tỉ USD không hoàn toàn dành cho Bộ Quốc phòng mà còn trải rộng trên nhiều lĩnh vực, miễn là có liên quan quân sự.
Trong đó Lầu Năm Góc chiếm phần lớn với hơn 841 tỉ USD. Số tiền này cũng không phải dành cả cho mua sắm vũ khí mà còn nhiều khoản khác như lương bổng, bảo trì, huấn luyện hay nghiên cứu phát triển...
Bộ Năng lượng đứng thứ hai với hơn 32 tỉ USD cho các dự án và công việc liên quan hạt nhân, vũ khí hạt nhân cho quân đội Mỹ.
Mặc dù đã "qua ải" Hạ viện, dự thảo NDAA cũng chưa đến ngay được bàn làm việc của Tổng thống Biden. Hiện Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua dự luật và thậm chí còn đang có một phiên bản dự thảo NDAA khác của họ.
Dự kiến việc tranh luận tại Thượng viện sẽ khởi động vào tuần tới, sau đó mới bỏ phiếu. Lưỡng viện Mỹ sẽ phải ngồi lại với nhau một lần nữa, thống nhất bản dự thảo NDAA cuối cùng và đưa ra bỏ phiếu tại cả hai viện trước khi trình lên tổng thống.
Yếu tố Trung Quốc
Với Lầu Năm Góc, lý do chính cho các đề xuất tăng ngân sách là Trung Quốc. Các nhà lập pháp hoàn toàn đồng ý về sự cần thiết phải đầu tư hơn nữa thay vì cắt giảm ngân sách để Mỹ tiếp tục chiếm ưu thế trước đối thủ.
Theo giới quan sát, một loạt cuộc điều trần hồi tháng 5 vừa qua về trần nợ công đã giúp các nghị sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc không giảm chi cho quân sự.
Trong phiên bản dự thảo của Thượng viện, vấn đề Trung Quốc cũng được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên trong khi cả hai viện đều nhất trí về tính cấp thiết phải đối phó Bắc Kinh, hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa lại chia rẽ về nhiều vấn đề xã hội được "cài cắm" trong dự thảo.
Trong đó, Đảng Cộng hòa muốn đưa vào các điều khoản liên quan đến phá thai và chuyển giới.
Cuộc tranh luận rất gay gắt tại Hạ viện có Đảng Cộng hòa chiếm đa số. Phần lớn nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối dự thảo NDAA vì các vấn đề xã hội do phe cực hữu tại Hạ viện đưa vào.
Ví dụ Hạ viện đã bỏ phiếu với tỉ lệ 221 phiếu ủng hộ trên 213 phiếu chống cho điều khoản sẽ chấm dứt sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng cho các quân nhân đi phá thai. Hạ viện cũng đã bỏ phiếu thông qua điều khoản cấm Lầu Năm Góc trả tiền cho các ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính và tiêm hormone.
Trong khi phe Đảng Cộng hòa tại Hạ viện xem kết quả ngày 14-7 là một chiến thắng, phe Đảng Dân chủ cảnh báo hành động của họ là lợi bất cập hại.
Dân biểu Adam Smith, thành viên cấp cao trong Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ, giải thích: "Chúng ta sẽ có ít người đủ tiêu chuẩn sẵn sàng gia nhập quân đội hơn vì những gì đã được thông qua".
Những điều khoản về xã hội trong NDAA như vậy sẽ không thể qua được ải Thượng viện, nơi Đảng Dân chủ đang kiểm soát. Hội nghị lưỡng viện để đạt nhất trí về NDAA được dự đoán sẽ chứng kiến những tranh cãi nảy lửa.
Tranh cãi việc viện trợ cho Ukraine
Một vấn đề khác dự kiến cũng sẽ gây nhiều tranh cãi khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thảo luận về NDAA là hỗ trợ cho Ukraine. Dân biểu Đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene cảnh báo bà sẽ làm mọi cách để xóa các khoản tiền hỗ trợ mới cho Ukraine.
"Đó là mục tiêu cuối cùng của tôi", bà nhấn mạnh ngày 14-7. Ở chiều ngược lại, các thượng nghị sĩ được dự đoán sẽ đấu tranh để giữ lại các khoản tiền cho Ukraine.
Các hệ thống tên lửa đất đối không Hawk đã bị loại biên ở vùng lãnh thổ Đài Loan nhiều khả năng sẽ được Mỹ mua lại và chuyển cho Ukraine.