Tại buổi tọa đàm "Mua nhà để ở: Bây giờ hay đợi thêm?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào sáng 18-7, ông Nguyễn Mạnh Khởi - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết trong năm 2022 so với 2021, nguồn cung nhà ở đã giảm đáng kể trong từng năm.
Cả dự án bất động sản đang triển khai lẫn mở bán đều giảm
Ông Khởi lấy ví dụ quý 4-2022, số lượng nguồn cung nhà chỉ bằng 61% so với quý 3-2022 và chỉ bằng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, số lượng dự án đang triển khai cũng giảm mạnh, chỉ bằng 40% so với quý trước đó.
Riêng với nhà ở thương mại, ông Khởi dẫn chứng trong quý 1 năm ngoái, cả nước chỉ có 14 dự án với khoảng 6.000 căn hộ, chỉ bằng 50% so với quý 4 năm trước đó. Trong khi đó, cả miền Nam chỉ có 2 dự án mới hoàn thành.
Điều này cho thấy nguồn cung căn hộ rất ít và qua mỗi năm nguồn cung lại giảm.
"Nghịch lý là cầu thực đang lệch cung. Có những dự án giá rất cao, đem dự án ra thị trường cũng không đáp ứng nhu cầu thực vì giá cao quá, giá gấp đôi khả năng tài chính của người mua", ông Khởi nói.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tại TP.HCM tăng trưởng âm 11,58%, trong khi quý 1 năm 2023 tăng trưởng âm đến 16,2%.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản cũng giảm 8,3% so với cùng kỳ. Theo ông Khiết, các số liệu cho thấy dù còn những khó khăn, thị trường bất động sản cũng đã có những dấu hiệu phục hồi.
Đối với việc cấp phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Khiết cho biết cả TP có 689 doanh nghiệp, giảm 52,6% về số lượng, còn vốn đăng ký đạt khoảng 26.750 tỉ đồng, giảm 63% so với 6 tháng năm trước đó.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả TP có 13 dự án với 14.666 căn đủ điều kiện mở bán, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn huy động là khoảng 145.000 tỉ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ.
Vắng bóng căn hộ vừa túi tiền
Đối với phân khúc các căn hộ, ông Khiết cho biết phân khúc cao cấp (trên 40 triệu đồng mỗi m²) chiếm đến 87% với hơn 13.033 căn, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, phân khúc trung cấp (từ 20-40 triệu đồng/m²) lại giảm nhiều, còn căn hộ dưới 25 triệu đồng "hoàn toàn vắng bóng", thay vào đó chuyển sang phân khúc khác là nhà ở xã hội.
Liên quan đến tiến độ gỡ vướng các dự án, ông Khiết cho biết hiện Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM kiến nghị gỡ vướng của 148 dự án với 189 kiến nghị. Theo ông Khiết, trong số các kiến nghị này, vấn đề pháp lý về đất chiếm đến 94 dự án.
Về cơ cấu giá thành, ông Khiết cho biết thực tế rất khó để có căn hộ chung cư với giá dưới 25 triệu đồng/m² bởi suất đầu tư đối với các công trình đã 11 triệu đồng/m² .
Đối với lãi suất, ông Khiết cho hay hiện lãi suất cao cũng khó khăn cho người mua nhà.
Để hỗ trợ người mua nhà, ông Khiết cho biết sở đã đề xuất TP để có quỹ hỗ trợ cho người dân mua nhà ở xã hội bởi các chính sách hiện nay còn có hạn chế về thời gian hỗ trợ cho vay cũng như mức vay đối với nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, ông Khiết cũng cho biết sau dịch, TP đã khảo sát cho ra kết quả có 1,3 triệu người đang ở trọ, nhiều người không có nhu cầu sở hữu nhà vĩnh viễn mà chỉ thuê nhà trọ. Do đó, ông Khiết cho rằng cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, ngân hàng để phát triển nhà trọ, nhà cho thuê.
Thăm dò ý kiến
Theo các chuyên gia, giá nhà đất giảm mạnh trong thời gian qua, lãi suất giảm là thời điểm thích hợp cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Ý kiến của bạn thế nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
So với quý 1 thì rõ ràng nhu cầu mua bất động sản đang có những tín hiệu tốt, thị trường lạc quan hơn. Do đó, đây là thời điểm tốt người mua nhà cân nhắc nếu thấy phù hợp.