Nỗi khổ nối dài thêm khi công trình đã trễ hạn này sẽ kéo dài thêm 18 tháng nữa.
Sống khổ bởi dự án thi công "rùa bò"
Ở hai huyện Đắk Đoa và Chư Prông của Gia Lai, đường sá chỗ lồi chỗ lõm, đất đá vương vãi, có những đoạn dài hàng chục cây số không có bóng dáng công nhân, xe máy thi công.
Gần hai năm qua, các hộ dân dọc quốc lộ 19 ở thôn Thanh Bình (xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) sống trong khổ sở nền đường nâng lên cao, lấp hết đường vào nhà họ. Nhiều căn nhà nằm lọt thỏm thấp hơn mặt đường từ 4-5m. Nắng đã khổ, khi mưa xuống, trong nhà đến ngoài vườn ngập trong bùn đất từ trên cao theo nước mưa đổ xuống.
Ông Phan Văn Thành cho biết: "Tôi ở đây 30 năm nay, chưa từng có chuyện nước tràn vào nhà, mà nay cứ mưa lớn là nhà ngập. Xóm làng giờ đây như ở dưới thung lũng".
Còn tại huyện Đắk Đoa, tuyến kênh thoát nước quốc lộ 19 đang thi công qua xã K'Dang kéo dài nhiều tháng khiến hàng trăm người dân mất lối đi lại. Mưa lớn có khi còn ngập nhà cửa, cuốn trôi tài sản, cây cối, hoa màu.
Người dân huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cũng khốn khổ với dự án này từ cuối năm 2022 đến nay. Ông Nguyễn Duy Tú (57 tuổi, ở xã Tây Giang) bức xúc nói: "Sau khi đường nâng lên, nhà chúng tôi nằm sâu bên dưới, đất nhà biến thành cái ao chứa nước".
Bà Phạm Thị Đủn (62 tuổi, xã Tây Giang) cho biết mỗi lần xe lu chạy qua, ngôi nhà bà rung lắc. Nhiều nhà dân bị nứt từ khi thi công nâng cấp quốc lộ 19. "Từ khi làm đường, gia đình chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên vì nhà cửa hết bụi, bùn lại rung lắc, nứt nẻ. Chúng tôi không thể nào buôn bán, làm ăn gì được" - bà Đủn ngao ngán.
Hết thời gian nhưng mới thi công khoảng 60%
Theo tìm hiểu, dự án nâng cấp quốc lộ 19 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và giao Ban Quản lý dự án 2 đại diện chủ đầu tư nâng cấp khoảng 143km quốc lộ 19 qua hai tỉnh Bình Định và Gia Lai. Công trình có tổng vốn gần 156 triệu USD, phần lớn là vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Dự án được khởi công vào năm 2021 và theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 6-2023. Tuy nhiên, đến nay tiến độ dự án quá chậm và mới đây đã được gia hạn đến 31-12-2024.
Theo Ban Quản lý dự án 2, tính đến cuối tháng 6-2023, sản lượng thi công dự án đạt 59% giá trị hợp đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tân - giám đốc điều hành dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (nâng cấp quốc lộ 19) - nói rằng khi triển khai dự án dịch COVID-19 bùng phát nên tiến độ thi công chậm. Trong khi đó, khối lượng công việc thi công đường đèo là quá lớn nên càng khiến dự án chậm.
Ông Hồ Văn Niên - bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - nói rằng dự án nâng cấp quốc lộ 19 chậm tiến độ gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. "Nhiều đêm, người dân nhắn tin, gọi điện cho tôi than phiền về dự án này. Người dân rất khổ sở khi đi lại trên tuyến đường đang thi công" - ông Niên nói.
Tương tự, ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cho biết lãnh đạo tỉnh và đoàn đại biểu quốc hội tỉnh cũng đã nhiều lần lên tiếng vì đơn vị thi công làm việc quá chậm.
"Việc này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó có Bình Định và các tỉnh bắc Tây Nguyên. Lâu nay hàng hóa của các tỉnh bắc Tây Nguyên chủ yếu về cảng Quy Nhơn nhưng việc nâng cấp quốc lộ 19 quá chậm khiến việc lưu thông bị ảnh hưởng" - ông Dũng nói.
Việc nâng cấp quốc lộ 19 quá chậm cũng ảnh hưởng đến phát triển du lịch, kết nối du lịch. "Tỉnh đã giải phóng mặt bằng xong. Tôi đề nghị chủ đầu tư kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ, càng kéo dài việc này càng không tốt" - ông Dũng bày tỏ.
Sẽ đền bù cho dân
Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, dự án này nâng cấp từ đường cấp 4 lên đường cấp 3 dựa trên nền móng cũ đã hư hỏng nên chắc chắn quá trình thi công sẽ ảnh hưởng đến người dân ở rất gần với mặt đường. Vì là đường tiêu chuẩn quốc gia nên không thể hạ độ cao được, khi đường được nâng lên thì nhà dân bị thấp xuống so với mặt đường.
"Đối với những nhà bị ảnh hưởng: thu nhập, khói bụi, không kinh doanh được, nhà cửa… chúng tôi sẽ đến đo đạc, kiểm đếm sau đó đền bù cho bà con" - ông Tân cho hay.
TTO - Ngày 19-7, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết như trên.