Thủy sản là một trong những ngành có sự sụt giảm mạnh nhất trong thời gian qua, do sức cầu tiêu thụ lao dốc ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU.
Giá thức ăn thủy sản tăng hơn 8 trong 6 tháng đầu năm nay nên hầu hết các công ty thủy sản đều chịu tình trạng tỷ suất lợi nhuận thu hẹp.
Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định - doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản đi các thị trường Nhật, Mỹ…, với đơn hàng ổn định khoảng 4 container một tháng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, giá các mặt hàng chủ lực của công ty bị sụt giảm, những sản phẩm cao cấp không bán được do người tiêu dùng giảm sức mua đến 50%.
"Ngoài việc mình chuyển hướng sang những dòng sản phẩm rẻ tiền hơn với sản lượng lớn để có thể bán được, công ty cũng đang chuyển hướng bằng cách sử dụng những nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thương phẩm hóa để chào bán cho khách hàng", ông Kosaburo Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, cho biết.
Năm 2023, ngành thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tương tự, tại các tỉnh Nam Trung Bộ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thủy sản cũng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 giảm từ 30 - 35%.
Trước những khó khăn do đơn hàng giảm sút tại các thị trường chủ lực, các doanh nghiệp thủy sản đã chủ động có những giải pháp linh hoạt để duy trì hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm.
"Trước tình hình giá cả đầu vào tăng cao, công ty đã chủ động tìm được những giải pháp, những kỹ thuật để làm cho hạ giá thành xuống, chẳng hạn như chọn sản phẩm đầu vào giá thành thấp nhưng vẫn đảm bảo được tăng trưởng", ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Phú Yên, chia sẻ.
"Giá thị trường biến động thì mình làm theo phương án cuốn chiếu, tức là có được đơn hàng nào, thỏa thuận từng đơn một, không làm đại trà", ông Huỳnh Bạch Cát Quý, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Rin, Quảng Ngãi, cho hay.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, các doanh nghiệp thủy sản đã và đang khắc phục khó khăn, tập trung nguồn lực, từng bước khôi phục sản xuất, sẵn sàng tâm thế đón chờ thị trường phục hồi trở lại.
Hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản phục hồi xuất khẩu
Tình hình lạm phát kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản trong năm 2023 giảm sút.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam dự báo thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý III. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu.
Kỳ vọng vào sự phục hồi trong nửa cuối năm, hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp mong chờ lúc này là những chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm được triển khai, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khơi thông nguồn tín dụng, tập trung thu mua nguyên liệu.
"Đầu tư thêm hệ thống cấp đông băng chuyền, cấp đông nhanh cần phải huy động vốn từ ngân hàng. Hiện lãi suất cao nên việc huy động vốn với doanh nghiệp khó khăn. Rất mong có thể cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất vay vốn để cho doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn hơn", ông Kosaburo Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, cho biết.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, các địa phương ven biển Nam Trung bộ đang triển khai những giải pháp gỡ khó cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi tăng trưởng xuất khẩu.
"Các kiến nghị của doanh nghiệp xung quanh các vấn đề hiện nay là khó khăn về mặt đơn hàng, đơn hàng sản xuất không có và đề nghị tỉnh hỗ trợ đất đai, cho thuê đất dài hạn cũng như các kiến nghị tập trung vào ưu đãi vốn tín dụng của ngân hàng, cũng như là hoàn thuế giá trị gia tăng", ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản tỉnh Bình Định, cho hay.
"Tỉnh cũng có đề án phát triển vùng nuôi biển để tạo nguồn nguyên liệu, thông qua hoạt động phát triển nuôi biển này sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ cho công tác chế biến, phục vụ cho nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương", ông Nguyễn Đức Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, thông tin.
Năm 2023, ngành thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thủy sản, các địa phương và ngành chức năng cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản để các doanh nghiệp có thêm sức bật, tận dụng tốt cơ hội từ thị trường để mở rộng sản xuất, đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam dần hồi phục, khởi sắc trong những tháng cuối năm.
VTV.vn - Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi vừa được ngành ngân hàng công bố chiều 19/7 chính là một trợ lực giúp doanh nghiệp thủy sản vượt khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!