EU đang đề xuất lệnh cấm sản xuất chrome hóa trị sáu từ năm 2024, do khả năng xả thải chất gây ung thư vào không khí trong quá trình sản xuất.
Các loại khí này được cho là độc hại gấp 500 lần so với dầu diesel và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có ung thư phổi.
Theo Autocar, có chất khử có thể hạn chế lượng khí thải này. Nhưng bản thân chất khử cũng có vấn đề, vì chúng chứa perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl substances (PFAS), cũng là những chất độc hại vì nguy cơ gây ung thư, bệnh tim mạch, vô sinh, rối loạn chuyển hóa.
Bang California của Mỹ cũng đã thông qua lệnh cấm mạ chrome, nhưng thời gian có hiệu lực là từ năm… 2039, khoảng 15 năm sau thời gian đề xuất của châu Âu.
Chrome được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp ô tô để tăng độ "đẹp" cũng như độ bảo vệ chống ăn mòn.
Theo Carscoops, thực tế không ô tô châu Âu hiện đại nào sử dụng chrome hóa trị sáu. Bởi chất này đã bị cấm cùng chì và thủy ngân, áp dụng cho những ô tô được bán sau tháng 7-2003.
Nhưng dù lệnh cấm không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô mới thì vẫn tác động không nhỏ đến phân khúc xe cũ, xe cổ điển - nơi vẫn sử dụng mạ chrome truyền thống. Một số có thể chuyển sang sử dụng chrome hóa trị ba thay thế vì ít gây hại hơn.
Các chuyên gia trong ngành cho biết việc thay đổi này sẽ tốn nhiều chi phí của doanh nghiệp và lớp hoàn thiện trở nên kém thẩm mỹ hơn.
Trong ngành hàng không vũ trụ, vốn sử dụng nhiều bộ phận mạ chrome, thì chrome hóa trị ba không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật về độ dày, độ cứng và khả năng chống ăn mòn. Do đó, thời gian áp dụng quy định mới cho ngành này được kéo dài hơn cả.
Mitsubishi khẳng định xe điện có tác động môi trường tồi tệ hơn xe xăng, trừ phi năng lượng sạch được phổ biến rộng rãi hơn.