Lực lượng đảo chính Niger ngày 31-7 cáo buộc chính phủ của Tổng thống vừa bị lật đổ là ông Mohamed Bazoum đã ủy quyền cho Pháp thực hiện các cuộc không kích vào dinh tổng thống nhằm giải thoát ông này.
Ông Bazoum đã bị giam giữ trong dinh tổng thống kể từ ngày 26-7, sau khi nhóm đảo chính lật đổ ông này và tuyên bố nắm quyền.
Biểu tình trước Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey của Niger ngày 30-7. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Reuters, chính quyền quân sự Niger trước đó đã cảnh báo chống lại những nỗ lực của nước ngoài nhằm giải thoát vị tổng thống dân cử, nói rằng điều đó sẽ dẫn đến đổ máu và hỗn loạn.
Cáo buộc trên do Đại tá quân đội Amadou Abdramane, một trong những người vạch âm mưu đảo chính, đưa ra trên truyền hình nhà nước.
Pháp đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi khôi phục chức vụ cho ông Bazoum nhưng không công bố bất kỳ ý định can thiệp quân sự nào. Paris hôm 31-7 cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận về cáo buộc của lực lượng đảo chính Niger.
Trong ngày 30-7 tại thủ đô Niamey của Niger, những người ủng hộ chính quyền quân sự đã đốt cờ Pháp và tấn công đại sứ quán Pháp, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay để trấn áp. Trong một tuyên bố khác, chính quyền quân sự cáo buộc Pháp đã nổ súng vào những người biểu tình, khiến 6 người bị thương.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm gây tổn hại đến lợi ích của Pháp ở Niger sẽ bị đáp trả bằng “phản ứng nhanh chóng và không khoan nhượng”.
Pháp đã triển khai quân đội trong khu vực trong một thập niên để giúp chống lại các tay súng Hồi giáo, nhưng một bộ phận người dân địa phương nói rằng họ muốn Pháp ngừng can thiệp vào nội bộ nước họ.
Cuộc đảo chính ở Niger diễn ra sau các biến cố tương tự ở hai nước láng giềng Mali và Burkina Faso trong hai năm qua, tất cả đều xảy ra trong bối cảnh đang có làn sóng chống Pháp.
Niger là một đồng minh chủ chốt trong các chiến dịch của phương Tây chống lại các tay súng có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở khu vực Sahel. Đang có lo ngại rằng cuộc đảo chính có thể khiến các nhóm tay súng Hồi giáo mở rộng hoạt động.
Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt trừng phạt và cho biết có thể cho phép sử dụng vũ lực nếu các lãnh đạo đảo chính Niger không phục hồi chức vụ cho Tổng thống bị lật đổ Bazoum trong vòng một tuần.
Tổng thống Chad – ông Mahamat Idriss Deby đã bay tới Niger vào cuối tuần qua để giúp dàn xếp cuộc khủng hoảng, và đăng lên mạng xã hội những bức ảnh chụp những cuộc gặp riêng rẽ giữa mình với ông Bazoum và lãnh đạo đảo chính Abdourahamane Tiani - người mà chính quyền quân sự Niger tuyên bố là “nguyên thủ quốc gia”.
Ông Deby cho biết họ đã thảo luận để khám phá những cách “để tìm ra một giải pháp hòa bình” cho cuộc khủng hoảng.
Ông Deby lên nắm quyền vào năm 2021 sau khi cha ông - cựu tổng thống cầm quyền lâu năm Idriss Deby qua đời, nhưng ông vẫn là một đồng minh thân cận của Pháp.