Các chuyên gia nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP mức 6 - 6,5% rất thách thức song có thể đạt được nếu tháo gỡ được nhiều "nút thắt".
Nhiều nút thắt lớn
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức 5,64% - là ngưỡng an toàn, nhưng kết quả 6 tháng đầu năm nay thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng 5,8% đã đặt ra từ đầu năm.
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo - động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế đang có xu hướng tăng chậm lại. Theo ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/2021 của Chính phủ, tạo sức ép lên khả năng tăng trưởng GDP của cả năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Về mặt khách quan, mặc dù tiêm chủng vaccine ngừa dịch bệnh COVID-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng sự khác biệt giữa tỉ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều, có khả năng chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải...
Về nội tại, dù đã vượt qua được những tháng đầu năm với kết quả tích cực, nhưng ngành chế biến, chế tạo cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: Giá nguyên vật liệu tăng, cụ thể là giá vật liệu xây dựng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng chóng mặt trong những tháng đầu năm 2021.
Thổi bùng các điểm sáng để đạt tăng trưởng kinh tế 6-6,5%
Từ những khó khăn nội tại cũng như khách quan, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định: Tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6,1-6,3% là khả quan.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 ở mức 6,5% là rất khó khăn bởi hiện tại, dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản cũng tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. "Ở mức tăng trưởng GDP 6%, Việt Nam có thể đạt được" - TS Nguyễn Đức Độ nhận định.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, vấn đề logistics, năng lực vận tải, hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng được quá trình phục hồi kinh tế. Giá cả đang có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng rất mạnh tới các trung tâm sản xuất công nghiệp. “Khả năng đạt được mục tiêu 6,5% khó khăn hơn rất nhiều” - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Mặc dù đánh giá tăng trưởng GDP năm 2021 rất nhiều thách thức, nhưng ông Lê Trung Hiếu cũng chỉ ra rằng, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm có điểm sáng là sức cầu thế giới phục hồi mạnh, những nền kinh tế lớn đang có mức phục hồi nhanh, họ đều là đối tác thương mại đầu tư quan trọng của Việt Nam. Đây chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, lưu thông hàng hóa.
Điều quan trọng hiện nay là Việt Nam phải kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, thực hiện nhanh “hộ chiếu vaccine”, khơi thông dòng chảy thương mại... Ông Hiếu cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng 6% như Quốc hội giao, nếu Chính phủ sớm có những giải pháp đồng bộ, trên tất cả những lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì vẫn có khả năng đạt được.
Xem thêm: odl.771629-56-6-ut-pdg-gnourt-gnat-ueit-cum-tad-ed-og-oaht-nac-taht-tun-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal