Triển khai kiểm tra phiếu xét nghiệm COVID-19
Người dân từ vùng dịch khi đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng... làm việc, vận chuyển hàng hóa, phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 3, 7 ngày (tùy nơi) từ ngày có kết quả xét nghiệm. Nhiều nơi đã triển khai, nhiều nơi chuẩn bị thực hiện nhưng thông tin này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh giao thương giữa các địa phương.
Tại chốt kiểm dịch COVID-19 cầu Đồng Nai lúc 0h - thời điểm ít phương tiện lưu thông nhất, nhưng chỉ cần dừng 3 chiếc xe là đã kéo dài gần tới khúc rẽ quốc lộ 51. Nếu như vào giờ cao điểm, việc phải dừng hàng ngàn phương tiện để kiểm tra phiếu xét nghiệm, rồi khai báo y tế là không khả thi.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ 12h trưa 6/7 cũng áp dụng qui định kiểm tra phiếu xét nghiệm COVID-19. Tình trạng ùn ứ giao thông đã xảy ra, lực lượng CSGT và nhân lực ngành y tế đã được tăng cường.
Thực tế với tình trạng dịch phức tạp như hiện nay, việc tìm được chỗ xét nghiệm cũng không phải dễ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải muốn triển khai thì phải cho xe dừng, tài nghỉ, trong khi hàng hóa thì không thể chờ đợi. Chưa kể nhiều nhiều xe có lộ trình Bắc Nam, mà nhiều địa phương còn chỉ chấp nhận kết quả âm tính trong vòng 3-4 ngày.
Giấy xét nghiệm âm tính có giá trị như thế nào? Liệu rằng tờ giấy đó có đảm bảo an toàn cho việc không có bệnh, không lây lan dịch để các địa phương căn cứ vào đó quyết định việc cho giao thương hay không. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, quy định xét nghiệm và đi lại liên tỉnh, nếu nói xét nghiệm âm tính rồi đi lại đâu đó vài ngày là an toàn cho nơi họ đến là không chính xác bởi, về lý thuyết, nếu xét nghiệm đúng âm tính chỉ nói rằng giá trị xét nghiệm khẳng định từ khi lấy mẫu trở về trước là không lây (cho người khác). Còn ngay sau lấy mẫu vẫn có thể chuyển dương bất cứ lúc nào. Nhưng quy định của nhà quản lý giá trị của xét nghiệm cao nhất là thời gian 2 ngày cũng chỉ là cho an tâm. Ngoài ra, còn tùy vào loại xét nghiệm mà nó còn cho ra âm giả, dương giả (cũng còn tùy người mới bệnh, đang bệnh hay sắp hết bệnh). Do đó, cái chính không phải là xét nghiệm mà trong suốt quá trình đi lại, mọi người luôn đảm bảo thực hiện 5K, người đi qua tỉnh khác khi dừng xe và đặc biệt khi giao hàng phải bảo đảm an toàn khi tiếp xúc.
Doanh nghiệp ảnh hưởng bởi quy định
Nhìn lại những làn sóng dịch từ đầu năm đến nay, không phải địa phương nào cũng giữ vững được tâm lý "bình tĩnh, không hoang mang", kể cả vùng có dịch và không có dịch. Có những nơi đã xảy ra ngăn sông cấm chợ, có những nơi lại có cách khác để khống chế kiểm soát dịch.
Cách đây khoảng một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ rõ một số địa phương áp dụng những biện pháp chống dịch "cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn".
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ thị như vậy nhưng đến giờ vẫn còn nhiều vấn đề mà các địa phương cần giải quyết bởi từ phía doanh nghiệp họ vẫn đang chờ đợi những quy định thuận lợi hơn, hợp lý hơn trong việc không ngăn chặn dòng giao thương và đảm bảo chống dịch.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 6/7 với sự tham gia của khách mời là bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!