Những vòng xe sẻ chia trong nền kinh tế chia sẻ
V.Dũng
(KTSG Online) - Nếu có việc phải ra đường trong những ngày giãn cách, sẽ rất dễ nhận thấy các nhân viên giao nhận qua ứng dụng là những cá thể vận động nhiều nhất trong khi cả xã hội gần như dừng lại. Trong bối cảnh hiện tại, mô hình kinh tế chia sẻ không chỉ được lượng hóa bằng những giá trị vật chất cụ thể mà còn là sẻ chia giá trị của sự an toàn, của sức khỏe xoay quanh những vòng xe giao hàng.
“A lô, chào anh! Anh có đơn hàng được giao đến nhưng quy định phòng dịch của chung cư không cho phép em đưa vào tận nơi, phiền anh ra ngoài lấy giúp em được không ạ?”
Đây là một trong rất nhiều cuộc gọi tôi nhận được từ các nhân viên giao hàng trong suốt một tháng TPHCM áp dụng quy định giãn cách xã hội. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà trong khoảng thời gian này phần lớn người dân ở TPHCM cũng nhận được các cuộc gọi tương tự.
Nếu để ý đôi chút khi có việc phải di chuyển trên đường, dễ nhận thấy đội ngũ giao nhận với những sắc phục đa dạng đang chiếm quá nửa lưu lượng giao thông. Thậm chí dưới những tán cây, mái hiên vệ đường cũng trở thành nơi nghỉ chân, dùng bữa qua loa để chuẩn bị cho những cuốc xe tiếp theo.
Thực tế, Covid-19 gây ra cú sốc cho cả thế giới nhưng lại tạo một cú nhảy vọt từ nền kinh tế vật thể sang kinh tế số. Khi dịch bệnh xảy ra, điều không ai lường trước được là nó hạn chế kết nối thực, nền kinh tế vật chất phần nào bị đứt gãy. Công nghệ số đang được xem như là chìa khóa dần cởi bỏ những khúc mắc này.
Nhưng ở hiện tại, công nghệ số chưa hoàn thiện đến mức phủ định sự vận hành của con người. Trong quá trình kết nối giữa nền kinh tế số hóa và nhu cầu thực trong bối cảnh dịch bệnh, lực lượng giao nhận này được mô phỏng như chất bán dẫn để duy trì sự thông suốt.
Khi nền kinh tế chia sẻ lên ngôi, World Bank đưa ra thuật ngữ “Chia sẻ thịnh vượng” (Shared Prosperity), đưa ra giải pháp cho những người nghèo bị bỏ lại trong toàn cầu hóa, đô thị hóa... Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thịnh vượng chính là sức khỏe, sự an toàn của các nhu cầu thiết yếu và lực lượng giao nhận chính là một trong những bên đi chia sẻ.
Nhìn lại giai đoạn mô hình gọi xe bằng công nghệ này chớm xuất hiện ở Việt Nam, đã nổ ra những cuộc tranh luận về sự công bằng, về sự tổn thương giữa cái cũ và cái mới. Cuộc đối đầu giữa các tài xế xe ôm và dịch vụ gọi xe công nghệ là cuộc chạy đua để hưởng “phúc lợi vương vãi” trong một nền kinh tế đang phát triển. Nhưng cuộc chiến này cũng nhanh chóng ngã ngũ, bởi làn sóng công nghệ phát triển quá nhanh thì việc phủ định phương thức cũ trở nên chóng vánh hơn.
Dẫu vậy theo một diễn tiến tự nhiên, đội ngũ với dịch vụ theo phương thức cũ cũng tìm mọi cách tiếp nhận cơ hội của phương thức mới để mình không bị bỏ lại ở phía sau. Sự dịch chuyển này là tất yếu khi những cuộc mưu sinh, kể cả mưu sinh trên đường phố cũng được hệ thống hóa. Và trong những ngày lịch sử này, sự tiện lợi của sự kết nối số đã gián tiếp biến nhu cầu mưu sinh của họ trở thành một nhiệm vụ bài bản.
Ngày cuối cùng trước khi Nghị định 16+ được áp dụng cho TPHCM, báo chí đã đặt vấn đề với lãnh đạo TPHCM về tính hợp lý của dịch vụ giao nhận hàng hóa so với các quy định khác? Trong phần giải đáp, lãnh đạo thanh phố cũng chỉ rõ các hoạt động liên quan vận chuyển hàng hóa, giao hàng bằng mô tô vẫn được tiếp tục duy trì.
Ở góc độ nào đó, lực lượng nhân viên giao hàng may mắn còn được hoạt động trong khi vô vàn dịch vụ bị đình lại. Họ may mắn, nhưng qua đó cũng một lần nữa khẳng định vai trò của dịch vụ giao nhận được nhìn nhận rõ hơn.
Mặc dù trên thực tế, hoạt động của các mô hình giao hàng qua ứng dụng ở Việt Nam hiện nay phần nào mất đi bản chất chia sẻ thuần túy của hình thái kinh tế chia sẻ, ngày càng có nhiều cá nhân tham gia vào mô hình thị trường này với mục đích "kinh doanh" chứ không phải "chia sẻ”, nhưng ở trong bối cảnh cụ thể của dịch bệnh, có lẽ chúng ta tạm gác lại những phân tích mô phạm về các loại hình kinh tế. Khi những nhân viên giao nhận còn hoạt động là đã phần nào sẻ chia giá trị của sự an toàn, của sức khỏe, dẫu đây là dịch vụ có phí và tương đối sòng phẳng.
Và trong hai tuần tới chắc hẳn dịch vụ này còn được sử dụng nhiều hơn, vòng xe của lực lượng giao nhận này vẫn tiếp tục quay trong cuộc mưu sinh. Với hạn mức ưu tiên khiêm tốn, họ vẫn di chuyển với cảm giác như chính mình làm chủ thế giới này khi được chia sẻ và cả việc đối diện với rủi ro.
Xem thêm: lmth.es-aihc-et-hnik-nen-gnort-aihc-es-ex-gnov-gnuhn/871813/nv.semitnogiaseht.www