Làm thế nào để nhận diện đó là giấy triệu tập thật hay giả? Tôi có quyền thuê luật sư tới cùng làm việc với họ không?
Luật sư tư vấn
Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền triệu tập bị can, người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người làm chứng, bị hại, đương sự và tất cả các đối tượng trên có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập.
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự được quy định tại điểm b, khoản 1 điều 4. Theo đó, người tiến hành tố tụng gồm:
- Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra;
- Viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát, kiểm sát viên, kiểm tra viên;
- Chánh án, phó chánh án tòa án, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, thẩm tra viên.
Để nhận biết được đó là giấy triệu tập thật hay giả phải lưu ý các điểm sau:
Về hình thức: Theo quy định pháp luật, giấy phải đảm bảo về mặt hình thức của một văn bản pháp luật khi có đầy đủ quốc hiệu; tiêu ngữ; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành giấy triệu tập và có đóng dấu của cơ quan đó.
Về nội dung: Theo điều 185 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, giấy triệu tập phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của người làm chứng; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Theo đó, bạn cần phải xem kỹ lý do triệu tập được nêu trong văn bản để xác định xem mình có vai trò gì, liên quan như thế nào với vụ án.
Như đã nêu ở trên, việc triệu tập chỉ được áp dụng với những người tham gia tố tụng vụ án hình sự. Do đó, việc xác định mình là ai, có vai trò như thế nào trong vụ án rất quan trọng để có thể xác định những quyền và nghĩa vụ của mình đối với việc triệu tập.
Pháp luật quy định việc triệu tập người có liên quan tới vụ án hình sự phải được thực hiện bằng văn bản. Do đó, mọi hành vi triệu tập thông qua lời nói, qua điện thoại,... thì đều không có giá trị và người bị triệu tập sẽ không có nghĩa vụ phải tuân theo lời triệu tập này.
Trong trường hợp bạn muốn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân, bạn có quyền thuê luật sư tư vấn và hỗ trợ bạn về mặt pháp lý khi làm việc với Cơ quan điều tra. Theo điều 16 và điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị buộc tội, bị hại hoặc đương sự có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Khi nhận được giấy triệu tập hợp pháp, bạn nên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình được triệu tập, trường hợp không thể có mặt theo giấy triệu tập vì lý do chính đáng thì cần thông báo để cơ quan gửi giấy triệu tập được biết.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Xem thêm: lmth.2898034-aig-yah-taht-al-na-gnoc-auc-pat-ueirt-yaig-teib-nahn-oas-mal/ten.sserpxenv