Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, chiếm 39% dân số, đóng góp 59% GDP, hơn 49% thương mại của thế giới, APEC đã mang lại nhiều lợi ích về chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện của đất nước. Hiện nay, APEC quy tụ 15 trên 31 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta. 13 trong số 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết là với thành viên APEC, tính đến thời điểm hiện tại, có 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo APEC theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN |
Ngày 15/11/1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Việt Nam đã chính thức gia nhập Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhân Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10.
Việc gia nhập APEC là một quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong hơn 22 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động đối với Diễn đàn, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…
Trong công tác điều hành hoạt động của APEC, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể thông qua việc đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban và nhiều nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Ủy ban Quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp...
Riêng trong giai đoạn 2016 -2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 ủy ban, nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao. Ở một khía cạnh khác, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC cũng ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp Việt đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng APEC.
Đặc biệt, trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò, trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.
Cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC theo hình thức trực tuyến là sáng kiến của chủ nhà New Zealand nhằm tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương.