Chiều 16-7, tại buổi trao đổi về tình hình dịch và công tác phòng chống dịch COVID-19, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau bảy ngày thực hiện Chỉ thị 16, việc triển khai đạt được kết quả khá tốt.
Ý thức chấp hành đồng thuận thực hiện Chỉ thị 16 của người dân rất cao, đây là cơ sở để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả.
Theo ông Mãi, các công tác phòng chống dịch được triển khai khai tập trung có hiệu quả hơn. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo sự đồng tình, khí thế, quán tính tốt để triển khai công tác phòng dịch trong bảy ngày sắp tới.
“Chúng tôi tin rằng với sự điều chỉnh cần thiết trong bảy ngày tới công tác chống dịch của TP sẽ đạt kết quả toàn diện cao hơn và đạt được mục tiêu khi triển khai Chỉ thị 16 của TP” - ông Mãi cho hay
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi kêu gọi người dân tuân thủ giãn cách. Ảnh: HL
Theo ông Mãi, biến chủng virus Delta khó lường, người dân cần tìm hiểu đúng để có biện pháp phòng dịch phù hợp. Sắp tới, TP sẽ tập trung công tác giãn cách triệt để và nghiêm túc hơn nữa, ngăn chặn tối thiểu sự tiếp xúc, tránh lây lan các mầm bệnh. “Tôi mong muốn mỗi nhà, mỗi người hãy cùng thực hiện nghiêm túc việc giãn cách” - ông Mãi kêu gọi.
Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp như tầm soát F0, tách F0 ra khỏi cộng đồng; chuẩn bị các nguồn lực tập trung chăm sóc các F0 có triệu chứng nặng và rất nặng, giảm tỉ lệ tử vong do các bệnh nhân chuyển nặng.
Nhanh chóng triển khai tiêm vaccine an toàn, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao (di chuyển nhiều, đối tượng lớn tuổi, có bệnh nền, có nguy cơ chuyển nặng và tử vong khi mắc COVID-19); đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Trước thắc mắc về sự chuẩn bị cho ba tình huống sau 14 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Phó Bí thư Phan Văn Mãi chia sẻ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 luôn mong muốn tình huống 1. Khi đó, số ca mắc trong cộng đồng giảm xuống, khu vực nguy cơ cao được thu hẹp lại, khu vực an toàn được mở rộng ra.
Tình huống 2 là tỉ lệ mắc tăng dần và không tăng quá nhiều hay tăng đột biến, các khu vực nguy cơ cao còn chiếm phần lớn. Còn tình huống 3 là số ca tăng đột biến, có một số hoặc nhiều địa bàn có nguy cơ rất cao và lây lan mạnh, không kiểm soát được sự lây lan.
Đến giờ này, theo ông Mãi, TP đã xây dựng các kế hoạch chuẩn bị cho ba tình huống, tương ứng mức độ giãn cách xã hội.
Ở tình huống 3, khi đó TP sẽ tính toán biện pháp giãn cách xã hội là phải phong tỏa ở nhiều địa bàn hay địa bàn rộng của TP. Khi tình huống xấu hơn đồng nghĩa số ca bệnh trở nặng cũng nhiều hơn, TP phải tập trung rất cao cho năng lực điều trị, hồi sức từ 1.000 giường lên đến 2.000 bệnh nhân nặng, có sự chuẩn bị các cơ sở thu dung F0, cơ sở điều trị F0 có triệu chứng nhẹ.
Bên cạnh đó, TP cũng tiếp tục chuẩn bị kế hoạch cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị với F0. Ông Mãi khẳng định dù F0 được giám sát tại cộng đồng nhưng khi có vấn đề sức khỏe sẽ được đưa đến cơ sở điều trị kịp thời, có trung tâm giám sát COVID-19, giảm tối đa các ca nặng.
Theo ông Mãi, ban đầu trong quá trình thực hiện cách ly F1 tại nhà (người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19) còn lúng túng do cách xác định F1 chưa thống nhất nên các địa phương còn e dè, gần đây, đã có quy định cụ thể sẽ giúp các địa phương mạnh dạn triển khai hơn.
Trước câu hỏi của phóng viên về dự báo đỉnh dịch, ông Mãi cho biết trong các ngày qua, số liệu Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP thu thập có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, đến giờ này, số ca dương tính được phát hiện hằng ngày vẫn đang tăng lên.
“Với số liệu hiện có, chưa xác định được đỉnh dịch nên phải tiếp tục theo dõi số ca và kèm theo các phân tích khác mới có dự báo tương đối. Tình hình dịch vẫn phức tạp, số lượng ca phát hiện ở đỉnh dự báo bao nhiêu thì cần có thời gian” - ông Mãi nói.