Malaysia áp phong tỏa toàn quốc từ tháng 5, tốc độ tiêm chủng đứng thứ 3 ở Đông Nam Á (theo thống kê của Straits Times) nhưng lại là nước có số ca nhiễm bình quân đầu người cao nhất khu vực, vượt qua tâm dịch Indonesia và liên tục ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới. Nguyên nhân là do đâu?
"Thời điểm đen tối"
Khi Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố phong tỏa toàn quốc vào tháng 5 để chống chọi với làn sóng ca nhiễm tăng cao, hệ thống y tế của Malaysia vốn đã ở trong tình trạng nghiêm trọng.
Malaysia đang phải nỗ lực khống chế đợt bùng dịch gần đây do sự xuất hiện của biến chủng mới với khả năng lây lan cao hơn và những hoạt động tụ tập đông người trước lễ Eid al-Fitr.
Tới cuối tháng 5, số ca nhiễm mỗi ngày bình quân đầu người của Malaysia cao hơn tỷ lệ này ở Ấn Độ khi tổng số trường hợp mắc mới mỗi ngày vượt mốc 9.000. Số lượng ca tử vong hàng ngày cũng chạm đỉnh 98 ca vào ngày 29/5. Lãnh đạo y tế Noor Hisham Abdullah gọi đó là "thời điểm đen tối" với đất nước.
Bệnh viện trên khắp Malaysia, đặc biệt ở Thung lũng Klang, đang chạy hết tốc lực khi lượng lớn bệnh nhân đổ tới khiến thiếu hụt giường ICU và nhân sự để đảm bảo chăm sóc đầy đủ cho bệnh nhân.
Các nhân viên y tế ở Kuala Lumpur đã phải từ chối nhận bệnh nhân để ưu tiên cho các trường hợp mắc Covid-19, trong khi tại bang miền Bắc Kedah, các bác sĩ phải tự quyết định ai có cơ hội được sống vì số lượng giường ICU hạn chế.
Giới y tế đã viện tới rất nhiều phương pháp để đối phó với làn sóng gia tăng các ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19, bao gồm quyết định triển khai các khu ICU dã chiến do quân đội xây dựng và tận dụng các công-ten-nơ vận tải làm nhà xác tạm thời. Ngay sau đó, Malaysia được đặt vào chế độ "phong tỏa toàn phần".
Ảnh: Reuters
Con số thống kê gây nhầm lẫn
Sau 14 ngày đầu tiên áp phong tỏa toàn phần, số ca nhiễm mới ở Malaysia giảm xuống thấp đến mức 4.900 trong khi lượng xét nghiệm giảm ở hầu hết các bang. Trong những tuần sau đó, lượng xét nghiệm tiếp tục giảm nhưng số ca nhiễm mới lại tăng dù tốc độ chậm hơn.
Vào thời điểm này, các chuyên gia y tế đã cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca bệnh nhập viện vì Covid-19 ở độ tuổi trẻ hơn và trong tình trạng nghiêm trọng.
Bác sĩ Benedict Sim Lim Heng, chuyên tư vấn về bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện Sungai Buloh, cho biết phần lớn bệnh nhân cần chăm sóc tích cực hiện đang nằm trong độ tuổi 40-60, cùng một lượng lớn bệnh nhân ở độ tuổi 20 và 30.
"Chúng tôi đang chứng kiến những bệnh nhân trẻ được đưa tới trong giai đoạn nghiêm trọng nhất của căn bệnh, những người ở độ tuổi 30, 40 vào viện và phải sử dụng máy hỗ trợ sự sống ngay lập tức", ông Sim nói, "Thực ra tình hình đã chuyển biến đáng sợ hơn".
Hóa ra, tình hình dịch bệnh ở Malaysia không khá hơn và con số thống kê ca nhiễm gây lầm lẫn đã chuyển hướng chú ý khỏi cuộc khủng hoảng y tế công cộng đang diễn biến nhanh.
Lỗ hổng trong phong tỏa toàn phần
Nhiều người cho rằng tình trạng gần như sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế là do các biện pháp phong tỏa non nớt của chính phủ.
Gọi là phong tỏa toàn quốc nhưng phần lớn trong khu vực sản xuất của Malaysia vẫn tiếp tục làm việc, với lực lượng lao động giảm bớt.
Theo Diplomat, quyết định cho phép 18 khu vực sản xuất vận hành chủ yếu ở mức độ 60% tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát ở các nhà xưởng và khu ở tập trung của các công nhân. Các chùm ca bệnh ở nơi làm việc đã nổi lên như một nguồn lây nhiễm chủ chốt ở Malaysia, với hàng loạt ổ dịch được xác định có liên quan tới mảng công nghiệp.
Các chùm ca bệnh ở khu công nghiệp là một trong những nguồn lây nhiễm chủ chốt ở Malaysia. Ảnh: Reuters
Lượng xét nghiệm thấp cũng là nguyên nhân dẫn tới các ca nhiễm không được phát hiện ở giai đoạn sớm, đặc biệt đối với người trẻ, cho tới khi tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng. Các chuyên gia y tế công cộng đã nhấn mạnh rất nhiều lần về sự cần thiết của xét nghiệm quy mô lớn đi đôi với các quy định hạn chế.
Trong suốt giai đoạn phong tỏa, tỷ lệ dương tính trên toàn quốc (số lượng xét nghiệm trả về kết quả dương tính với Covid-19) luôn trên mốc tối đa 5% của WHO. Điều này cho thấy Malaysia không xét nghiệm đủ để khống chế dịch bệnh.
Ủy ban y tế của liên minh đối lập Pakatan Harapan gần đây đã khẳng định biện pháp phong tỏa hoàn toàn thất bại, với hình thức giới hạn di chuyển nhiều khả năng không thể kiểm soát làn sóng Covid-19 thứ tư.
Đại dịch nghiêm trọng và chính trường không yên
Các cơ quan thương mại nước ngoài bày tỏ lo ngại về cách xử lý đại dịch tại Malaysia trong khi một vị Tướng quân đội cho rằng phản ứng đối với Covid-19 của đất nước thiếu sự điều phối và tốc độ. Nhiều người cho rằng chính quyền Malaysia đã đặt nhầm thứ tự ưu tiên.
Khi số ca bệnh gia tăng, ông Muhyiddin đã có những động thái để giảm thiểu căng thẳng trong liên minh cầm quyền, trước khi Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) - đảng lớn nhất trong Liên minh Dân tộc (PN) - quyết định rút sự ủng hộ đối với PN.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, nhân vật cấp cao nhất của UMNO trong nội các, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng. Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein, một thành viên khác của UMNO, đã được đề bạt làm Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao và sẽ đảm trách vai trò lãnh đạo an ninh của ông Ismail.
Hai nhân vật này thuộc về bộ phận trong đảng có xu hướng ủng hộ chính quyền ông Muhyiddin. Một bộ phận khác do Chủ tịch UMNO Ahmad Zahid Hamidi dẫn đầu lại quyết định tách khỏi liên minh PN và được cho là sát cánh cùng liên minh Pakatan Harapan của ông Anwar Ibrahim để thành lập chính phủ mới.
Thủ tướng Muhyiddin Yassin và ông Anwar Ibrahim. Ảnh: Straits Times
Tổng chưởng lý Idris Harun khẳng định rằng hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Thủ tướng Muhyiddin mất đi ưu thế của mình. Tuy nhiên, với hầu hết người Malaysia, chuyện ông Muhyiddin có trụ vững trên chiếc ghế quyền lực trong cuộc khủng hoảng này sau 15 tháng lãnh đạo hay không không cấp bách bằng chính bản thân họ.
Trong những tuần gần đây, ảnh và video ghi nhận cảnh tượng các bệnh viện quá tải ở Thung lũng Klang được chia sẻ nhiều trên mạng internet. Một số bệnh viện phải biến bãi đỗ xe thành trung tâm cấp cứu để tiếp nhận thêm bệnh nhân, dàn mỏng số nhân viên y tế vốn đã kiệt sức.
Ngày 16/7, Malaysia ghi nhận kỷ lục hơn 12.500 ca nhiễm mới. Với tổng số hơn 893.000 ca mắc Covid-19, Malaysia là nước có tỷ lệ ca nhiễm bình quân đầu người cao nhất ở Đông Nam Á - ít nhất gấp đôi Indonesia - mặc dù lượng xét nghiệm thấp đồng nghĩ với việc dữ liệu đã ghi nhận còn thấp hơn thực tế.
Theo số liệu chính thức, hơn 6.100 người đã tử vong do Covid-19 ở Malaysia, trong đó 55% được ghi nhận trong giai đoạn "phong tỏa toàn phần". Nói một cách đơn giản, trung bình có khoảng 85 người mắc Covid-19 tử vong mỗi ngày kể từ khi phong tỏa bắt đầu vào ngày 1/6.
(*) Trên đây là phần lược dịch bài viết của nhà báo Alifah Zainuddin đăng trên The Diplomat. Bài có sử dụng thêm thống kê từ Straits Times.