- FLC kiến nghị Bình Định nghiên cứu thí điểm đón du khách quốc tế có hộ chiếu vaccine
- Xem xét thí điểm “hộ chiếu vaccine”
- Bùng nổ dịch vụ hộ chiếu vaccine ngừa COVID-19 giả
Chính quyền tỉnh Khánh Hòa vừa qua mạnh dạn đề xuất Trung ương thí điểm hình thức du lịch hộ chiếu vaccine. Quyết định này được dư luận ủng hộ, bởi “mở cửa” du lịch là bước đi bền vững khi địa phương đã khống chế được dịch bệnh. Cùng với đó, gần đây, nhiều người đặt câu hỏi, với người đã có giấy chứng nhận tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine”, liệu có được giảm thời gian cách ly y tế khi ra nước ngoài và ngược lại hay không? Khi có “hộ chiếu vaccine”, liệu việc thông thương có thoải mái hơn bây giờ?
Để hiểu rõ phần nào vấn đề, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Võ Huy Cường-Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường. |
P.V: Thưa ông, hiện nay tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp nói chung và hàng không nói riêng. Ông có thể tóm tắt đôi nét về những khó khăn cũng như nguy cơ hiện hữu mà ngành hàng không đang phải đối mặt?
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam: Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến lĩnh vực vận tải, làm sụt giảm nghiêm trọng kết quả sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, trong đó nặng nề nhất là ngành hàng không. Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang đối mặt là doanh thu và lợi nhuận giảm kỷ lục. Tới thời điểm hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa.
Trong năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền, nên năm 2021 phải đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết cổ truyền. Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.
Không chỉ các hãng hàng không phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu chưa từng có, các doanh nghiệp hàng không khác như: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), các công ty phục vụ mặt đất, công ty xăng dầu hàng không… cũng gặp vô vàn khó khăn, doanh thu và lợi nhuận giảm kỷ lục, lao động phải nghỉ việc luân phiên hoặc hoãn hợp đồng lao động, đặc biệt nguồn tài chính không đảm bảo do đối tác nợ kéo dài.
P.V: Để giải quyết những khó khăn nói trên, từng bước khôi phục một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông vấn đề “hộ chiếu vaccine” có phải là một giải pháp hay, một cánh cửa mở cho Việt Nam?
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam: "Hộ chiếu vaccine" thực chất là tài liệu xác nhận một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo chuyên môn của nhà sản xuất hoặc theo cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là đủ 2 mũi hoặc cho những người đã bị nhiễm COVID nhưng đã khỏi bệnh hoặc có giấy xác nhận (-) với virut SARs Covi-2. “Hộ chiếu vaccine” đang được xem là một trong những giải pháp giúp nối lại các chuyến bay quốc tế, khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để các quốc gia có thể nhanh chóng, an toàn mở cửa biên giới, từng bước khôi phục các ngành du lịch, hàng không, thương mại đầu tư.
P.V: Để áp dụng được tấm hộ chiếu này, các hãng hàng không nói riêng và đơn vị quản lý nói chung cần phải chuẩn bị những gì? Thời điểm nào ở Việt Nam áp dụng là thích hợp? Khi áp dụng ta nên lưu ý điều gì?
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam: Hiện tại, để “hộ chiếu vaccine” có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, giữa các quốc gia cần có sự công nhận lẫn nhau cũng như liên kết hệ thống một cách toàn diện, thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.
“Hộ chiếu vaccine” chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng, trong khi đó hiện tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam chưa đạt theo số lượng yêu cầu. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam thời điểm hiện tại có thể nói là rất thấp, nếu không muốn nói là gần như chưa có.
Do đó, thời điểm áp dụng phù hợp là khi Việt Nam có 70% dân số ở độ tuổi trưởng thành được tiêm chủng và đạt được miễn dịch cộng đồng. Một trong các thách thức lớn nhất hiện nay là virus SARs-Covi-2 có nhiều biến thể với mức độ lây lan ngày càng nhanh, mạnh nên việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” cũng phải cân nhắc đến cả yếu tố này.
Hiện tại Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đưa ra phương án đề xuất để phối hợp với các cơ quan chuyên môn của bộ ngành khác để có thể áp dụng thí điểm “hộ chiếu vaccine” để đưa khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đóng góp các ý kiến đối với kế hoạch này và rất kỳ vọng đây sẽ là một mô hình thí điểm thành công, từng bước khôi phục thị trường hàng không-du lịch quốc tế.
P.V: Trong tháng 7, Việt Nam đang dự kiến thí điểm “hộ chiếu vaccine” tại Phú Quốc. Cùng thời gian này, hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cũng tính chuyện bay trở lại một số đường bay quốc tế. Ông có hy vọng vào hiệu quả và lo lắng điều gì về các sự kiện này hay không?
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam: Ngày 1/7, “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID” của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực và được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối và các nước thành viên. Đây là công cụ được ban hành và chấp nhận ở mọi quốc gia thành viên, cho phép công dân châu Âu đi lại an toàn và không có bất kỳ sự phân biệt nào.
Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam ký thỏa thuận với Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) và đã bắt đầu triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass vào tháng 6/2021. Lãnh đạo hãng kỳ vọng có thể coi đây là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến.
Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo các cấp có thẩm quyền triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” để đẩy nhanh việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam.
Tuy vậy, đây cũng là một thách thức rất lớn vì hiện nước ta chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai “hộ chiếu vaccine” cũng như những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.
P.V: Để có tấm “hộ chiếu vaccine” đúng chuẩn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế, theo ông, trước mắt các bộ, ban ngành nên tập trung vào vấn đề gì?
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam: Không thể phủ nhận rằng, “hộ chiếu vaccine” với những ưu việt đã được chỉ rõ là một trong những giải pháp mang tính toàn cầu hiệu quả giúp nối lại giao thương quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như thiết lập trạng thái bình thường mới cho đời sống xã hội.
“Hộ chiếu vaccine” chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng, do đó việc quan trọng nhất là có đủ vaccine để tiêm cho 70% người trưởng thành. Cần xây dựng các quy trình kiểm dịch khi áp dụng “hộ chiếu vaccine” và các quy trình này cần được tiến hành hài hòa, thống nhất và đồng bộ.
Cần xác định là nếu hành khách có “hộ chiếu vaccine” thì không cần hoặc chỉ cách ly trong thời gian ngắn, không yêu cầu xét nghiệm để tạo điều kiện thuận lợi cho khách. Cần áp dụng các giải pháp về công nghệ để theo dõi chính xác sự di chuyển của người dân, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đồng thời cho phép trao đổi thông tin giữa các quốc gia.