Thị trường tiền ảo lao dốc trước sự giám sát gắt gao của các cơ quan quản lý Mỹ
Khánh Lan
(KTSG Online) - Thị trường tiền ảo đang chịu áp lực mới sau khi các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của Mỹ cho biết họ sẽ sớm đưa ra các đề xuất quản lý các đồng tiền ảo ổn định (stablecoin), tài sản quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong những tháng tới.
Các stablecoin là các tiền ảo có giá trị được neo với các đồng tiền pháp định như đô la Mỹ, được sử dụng hầu hết trong các cặp giao dịch tiền ảo, chúng là nguồn thanh khoản chính cho thị trường tiền số.
Mỹ lo ngại sự trỗi dậy của các stablecoin
Trong hai ngày qua, bitcoin, đồng tiền ảo vốn hóa lớn nhất thế giới, đã giảm khoảng 2.000 đô la, xuống quanh mốc 29.500 đô la, giảm hơn 50% so với mức đỉnh 65.000 đô la được thiết lập hồi tháng 4. Theo CoinMarketCap, vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền ảo bốc hơi khoảng 90 tỉ đô la, sau khi bitcoin xuyên thủng mốc 30.000 đô la trong phiên giao dịch 20-7.
Giờ đây, bitcoin đang đứng trước nguy cơ giảm sâu hơn nữa và có thể phá vỡ mức đáy gần đây 28.800 đô la được thiết lập hồi tháng trước. Các đồng tiền ảo lớn khác như ethereum và binance cũng đang chịu áp lực bán tháo. Cú lao dốc của thị trường tiền ảo diễn ra khi các cơ quan giám sát tài chính toàn cầu đang tìm cách siết chặt quản lý đối với lĩnh vực này sau nhiều năm tăng trưởng gần như không bị kiểm soát.
Bộ trưởng Tài chính, Janet Yellen kêu gọi hành động nhanh chóng để thiết lập một khuôn khổ quản lý thích hợp đối với các stablecoin. Ảnh: Plato Blockchain |
Hôm 19-7, tại cuộc họp của nhóm công tác của Tổng thống Mỹ về các thị trường tài chính, Bộ trưởng Tài chính, Janet Yellen nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động nhanh chóng để đảm bảo có một khuôn khổ quản lý thích hợp đối với các stablecoin.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết cuộc họp đã thảo luận về sự tăng trưởng nhanh chóng của các stablecoin và việc sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán tiềm năng, cũng như những rủi ro tiềm ẩn đối với người tiêu dùng, hệ thống tài chính và an ninh quốc gia.
Những người tham dự cuộc họp bao gồm những quan chức đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ủy ban Chứng khoán và Các sàn giao dịch Mỹ (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), Bộ Tài chính, cũng như Văn phòng Giám sát tiền tệ Mỹ (OCC) và Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC).
Cuộc họp quy tụ đầy đủ các cơ quan giám sát tài chính hàng đầu của Mỹ trong tuần này phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới về những rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng stablecoin trong hoạt động rửa tiền và tác động của chúng đối với chính sách tiền tệ.
Mua bán trực tiếp các loại tiền điện ảo như bitcoin hoặc ethereum bằng các loại tiền chuẩn như đô la Mỹ hoặc đồng bảng Anh có thể là một quá trình phức tạp. Vì vậy, các đồng tiền ảo thường được giao dịch thông qua các stablecoin, có nghĩa là các nhà đầu tư có thể quy đổi đô la Mỹ sang các stablecoin để mua bitcoin và các đồng tiền ảo khác hoặc có thể bán các đồng tiền ảo để thu về các stablecoin, rồi quy đổi ra đồng đô la nếu muốn.
Tether (USDT) là đồng tiền ảo ổn định lớn nhất và một nửa trong số tất cả các giao dịch bitcoin được giao dịch bằng cách sử dụng tether, theo CryptoCompare.
Đối thủ cạnh tranh của tether là USD coin (USDC) với tổng giá trị lưu hành đã tăng hơn 3.400% kể từ tháng 1, theo Công ty Công nghệ thanh toán Circle.
Tether và USD Coin là 2 đồng tiền ảo ổn định được bảo chứng bằng đô la Mỹ có giá trị lưu hành lớn nhất, khoảng 100 đô la Mỹ. Ảnh: Financial Times |
Trong tháng 5-2021, giá trị thị trường của các stablecoin được bảo chứng bằng đồng đô la Mỹ đã vượt qua mức 100 tỉ đô la Mỹ. Điều này gây báo động cho các các cơ quan quản lý, đặc biệt là vì tình trạng thiếu sự giám sát và minh bạch về cách mà các nhà phát hành stablecoin quản lý tài sản dự trữ của họ.
Đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính
Mức dự trữ khổng lồ mà các công ty phát hành stablecoin cần duy trì để thực hiện cam kết bảo chứng 1-1 (1 đơn vị stablecoin sẽ được bảo chứng giá trị bằng 1 đơn vị của tiền pháp định) cũng tiềm ẩn rủi ro.
Hồi tháng 5, Tether Limited (Hồng Kông), công ty phát hành tiền ảo ổn định tether, cho biết, gần 49% tài sản dự trữ của công ty này, khoảng 20 tỉ đô la Mỹ, là thương phiếu (giấy nhận nợ do các công ty có uy tín phát hành để vay vốn ngắn hạn từ thị trường tài chính), chỉ có 2,9% tài sản dự trữ của Tether Limited là tiền mặt đô la. Tiết lộ này cho thấy Tether Limited là nhà đầu tư thương phiếu lớn thứ 7 thế giới.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cảnh báo rằng bất kỳ làn sóng quy đổi tether ra tiền mặt đô la Mỹ nào cũng có thể gây náo động thị trường thương phiếu.
Báo cáo của Fitch Ratings nhấn mạnh: “Một hành động bán tether bất ngờ với giá trị lớn có thể tác động đến sự ổn định của các thị trường nợ ngắn hạn, đặc biệt là nếu nó dẫn đến làn sóng bán các stablecoin khác đang được bảo chứng bởi việc giữ các tài sản thương phiếu tương tự”.
Rohan Grey, Giáo sư ở Trường Luật thuộc Đại học Willamette (Mỹ), nói rằng nếu đồng tiền ảo ổn định tether sụp đổ, điều này có thể gây ra tác động nghiêm trọng rộng khắp trên thị trường tiền ảo. Ông nói: “Tether vẫn là một trong những đồng tiền ảo ổn định được giao dịch nhiều nhất trong các cặp giao dịch với hầu hết các tiền ảo khác và cung cấp lượng thanh khoản khổng lồ cho thị trường tiền ảo. Vậy nên, một cú sụp đổ của tether có thể gây tác động lây lan ra khắp hệ sinh thái tiền ảo”. |
Lúc bắt đầu thành lập vào năm 2014, Tether Limited cho biết tiền ảo ổn định tether được bảo chứng đầy đủ bởi đô la Mỹ gửi ở các tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đến tháng 2-2019, công ty cho biết tài sản dự trữ của nó bao gồm tiền pháp định truyền thống, các khoản tương đương tiền, các khoản nợ phải thu và các tài sản khác.
Tháng trước, Eric Rosengren, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Boston, một chi nhánh của Fed, gọi Tether là một thách thức tiềm ẩn với sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ. Tại cuộc điều trần trước Ủy ban ngân hàng Thượng viện Mỹ hồi đầu tháng 7, Chủ tịch Fed, Jay Powell, thừa nhận các stablecoin đang “phát triển cực kỳ nhanh” nhưng thiếu quy định kiểm soát chúng.
Cuối năm ngoái, một nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã đề xuất luật yêu cầu các nhà phát hành stablecoin phải xin giấy phép hoạt động như ngân hàng, tuân theo các quy định đang chi phối ngành ngân hàng và nhận được sự chấp thuận của Fed và FDIC.
Hồi tháng 6, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Andrew Bailey nói rằng các stablecoin sẽ phải đối mặt với “những câu hỏi khó và thích đáng” từ các cơ quan quản lý. BoE cảnh báo rằng các nhà công ty phát hành stablecoin phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ giống như các ngân hàng truyền thống. BoE chưa quyết định cách tiếp cận về mặt quản lý đối với các stablecoin nhưng kỳ vọng các công ty phát hành chúng phải có tài sản dự trữ đầy đủ và cho phép chủ sở hữu stablecoin quy đổi ra tiền mặt truyền thống với tỷ lệ 1:1.
Các tổ chức tài chính quốc tế cũng kêu gọi hành động nhiều hơn nữa đối với lĩnh vực này của thị trường tiền ảo.
Tháng trước, Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng, cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn ngân hàng quyền lực nhất thế giới, cho biết có thể quản lý các stablecoin theo quy định hiện hành trong ngành ngân hàng nếu chúng có tài sản dự trữ đầy đủ vào mọi lúc.
Theo Financial Times