Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: THẢO LÊ
Chiều 21-7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tiếp tục chỉ thị 16 là phù hợp với tình hình dịch bệnh
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi cho biết trước đây TP đề ra 3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách theo chỉ thị 16.
Cụ thể, kịch bản thứ 1 là TP kiểm soát được dịch, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện chỉ thị 16. Kịch bản thứ 2 là chúng ta chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện 16+ ở một số địa bàn. Kịch bản thứ 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát; TP phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.
Ông Mãi cho rằng thời gian qua, số ca dương tính phát hiện hằng ngày còn tăng, đỉnh dịch có thể chưa đạt được và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong 3 kịch bản đề ra, cho đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch của TP phù hợp với tình huống thứ 2 là tiếp tục chỉ thị 16 và tăng cường biện pháp ở một số địa bàn. Ban chỉ đạo TP cũng đang chuẩn bị cho giải pháp tăng cường thực hiện chỉ thị 16.
"Chúng ta có 3 tình huống đặt ra. Dù rất nỗ lực nhưng vẫn không đạt được kịch bản thứ nhất. Chúng ta sẽ tiếp tục chống dịch theo kịch bản thứ 2, tiếp tục chỉ thị 16 và siết chặt ở một số địa bàn", ông Mãi nói.
Ông Mãi cho biết ngày mai (22-7), Thành ủy sẽ có định hướng mới cho giai đoạn thực hiện chỉ thị 16 nâng cao; tăng cường các giải pháp khi TP thực hiện giãn cách cùng 19 tỉnh thành miền Tây.
Điều trị F0 với mô hình 5 tầng
Phó bí thư thường trực Thành ủy cũng cho rằng song song việc giãn cách xã hội, TP còn tiến hành phân 5 tầng trong công tác điều trị F0.
Cụ thể, tầng 1 và tầng 2 sẽ thu dung người test nhanh có kết quả dương tính; sẽ được cách ly tạm thời tại phường, xã, thị trấn để lấy mẫu PCR. Nếu cho kết quả dương tính mà không có triệu chứng, không có yếu tố nguy cơ sẽ cách ly tập trung tại cơ sở. Theo đánh giá, tầng 1 và tầng 2 chiếm khoảng 70% số F0.
Tầng thứ 3 là tầng F0 có triệu chứng cần điều trị, chủ yếu sẽ ở bệnh viện quận.
Tầng 4 dành cho F0 vừa có triệu chứng vừa có bệnh nền cần điều trị tuyến cao hơn tầng 3, sẽ được điều trị ở bệnh viện quận và số khác ở tuyến cao hơn.
Tầng 5 dành cho F0 có triệu chứng nặng nhất sẽ được tập trung điều trị, hạn chế tử vong.
Theo ông Mãi, mô hình điều trị tháp 5 tầng sẽ giúp giảm tải áp lực y tế, không cần thiết phải đưa F0 không có triệu chứng vào cơ sở điều trị.
Phó bí thư thường trực Thành ủy cũng cho biết bên cạnh việc giãn cách, điều trị; TP cũng quan tâm có các nhóm biện pháp để đảm bảo cung ứng hàng hóa; đặc biệt là khu phong tỏa và gia đình khó khăn.
Đồng thời, TP sẽ tập trung bảo vệ, mở rộng dần vùng xanh thay vì tập trung vào vùng nguy cơ cao như vừa qua. TP sẽ bảo vệ vùng xanh và dần củng cố mở rộng vùng xanh. Đây là sự chuyển hướng trong phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho vùng xanh bên cạnh công tác mở rộng vùng xanh.
Có thể thay đổi phương án sản xuất an toàn
Về đảm bảo sản xuất an toàn, ông Mãi cho rằng đây là công ăn việc làm của hàng triệu công nhân, là vấn đề kinh tế - xã hội của TP. Nếu không tiếp tục sản xuất sẽ đứt gãy thị trường, TP sẽ khó khăn trong việc chiếm lĩnh lại thị trường sau khi hết dịch.
Do đó, TP có đề ra tiêu chí sản xuất an toàn gồm "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên quá trình thực hiện có một số nơi thực hiện không an toàn. TP đã làm việc lại với các đơn vị liên quan, sắp tới điều chỉnh để có biện pháp an toàn nhất.
"Có thể là không "3 tại chỗ" nữa, hoặc "3 tại chỗ" nhưng phải test nhanh kiểm tra âm tính đảm bảo không nhiễm. Quy mô phải giảm tối thiểu nếu được, chỗ ở phải được đảm bảo để sản xuất thời gian dài. Tất cả vấn đề này phải chuẩn bị cho khoảng thời gian lâu dài, có thể hết năm nay", ông Mãi nói.
TP sẽ tìm các giải pháp, nếu cố gượng ép bằng hình thức "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" nhưng thực tế vẫn còn chỗ này chỗ kia thì cũng mất an toàn. Lúc này, doanh nghiệp cũng không sản xuất được và TP phải xử lý những hệ lụy của việc mất an toàn này.
Về cung ứng hàng hóa an toàn, ông Mãi cho rằng không phải mở lại chợ, mà phải mở lại chợ an toàn. Tại các chợ, các lực lượng bốc vác, tài xế, từng khâu đều không được tiếp xúc với nhau. TP phải có quy trình điều chỉnh, để khởi động lại chợ nhưng phải đảm bảo an toàn.
Tại các chợ truyền thống, dù đã có các quy định nhưng việc triển khai qua kiểm tra vẫn chưa an toàn.
"Thời gian tới sẽ giãn cách triệt để hơn nữa, để đảm bảo an toàn chứ không phải làm vài ngày rồi thành ổ dịch mới. Khuyến khích các thành phần kinh tế mới để phân phối hàng hóa, giãn cách an toàn", ông Mãi nói.
Ngoài ra, ông Mãi cho biết thêm có nhiều ý kiến về vấn đề các ca không qua khỏi thì xử lý thế nào để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và đảm bảo sự trang nghiêm. Đây là vấn đề TP chưa có nhiều kinh nghiệm, việc xử lý còn bất cập. TP cũng đã yêu cầu ngành chức năng có nghiên cứu triển khai cụ thể.
TTO - Chiều 16-7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với báo chí về tình hình dịch COVID-19.