Ông Huỳnh Công Tường (Q.4, TP.HCM) vui vẻ chụp ảnh cùng nhân viên y tế trong ngày được xuất viện sau thời gian dài điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM - Ảnh: D.PHAN
"Chú ơi, chú khỏi bệnh rồi, hôm nay tụi con cho chú xuất viện nhé. Bệnh viện chúc cô chú về nhà mạnh khỏe, chịu khó ăn uống bồi bổ và nhớ là cách ly thêm ở nhà 14 ngày nữa ạ" - điều dưỡng Thu Cúc vỗ nhẹ vai của bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đi (61 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) dặn dò.
Ông Đi, dù có hơi lãng tai một chút nhưng khi được nhắc lại, bèn gật gù: "Đúng. Đúng. Cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định như thế".
Không tin mình còn sống
Khi biết sẽ được xuất viện, bà Nguyễn Thị Tiếng (63 tuổi, vợ ông Đi) không giấu nổi niềm vui. Từ trưa, hai vợ chồng tỉ mẩn thu dọn tư trang chờ đến giờ được về nhà sau hơn nửa tháng được chuyển điều trị ở nhiều cơ sở y tế.
"Tôi mừng lắm. Những ngày qua, tôi cùng chồng được các y bác sĩ chăm sóc rất tận tình, lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ. Tôi chỉ biết gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ, các tình nguyện viên đã giúp đỡ, nỗ lực điều trị cho vợ chồng tôi" - bà Tiếng chia sẻ.
17 bệnh nhân may mắn được điều trị khỏi bệnh có độ tuổi từ 30 - 68, sinh sống rải rác ở 10 quận huyện khắp TP.HCM. Trong số này có một bệnh nhân người Anh. Được xuất viện, bệnh nhân này tỏ ra vô cùng phấn khích. "Tôi rất hài lòng. Trong suốt thời gian điều trị, y bác sĩ rất thân thiện, chăm lo đồ ăn, thức uống cho bệnh nhân rất chu đáo" - ông nói.
Đại diện cho 17 bệnh nhân chia sẻ cảm xúc ngày xuất viện, anh Danh Hoàng Sa (31 tuổi, quê Kiên Giang) nói rằng không thể ngờ mình còn sống. Được điều trị khỏi bệnh, xuất viện về với gia đình, với anh như được tái sinh một lần nữa.
Từ Kiên Giang, anh Sa một thân một mình lên TP.HCM làm công nhân tại một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Trong một lần xét nghiệm tầm soát vào đầu tháng 7, anh nhận cú sốc "dương tính với COVID-19".
Sau ít phút định thần, anh sắp xếp quần áo, vật dụng sinh hoạt bỏ vào balô, rồi cùng với một số đồng nghiệp ngồi xe cứu thương vào Bệnh viện dã chiến số 8 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) cách ly, điều trị. Nhưng chỉ sau ít ngày, bệnh tình của anh chuyển nặng, tiếp tục được cấp tốc chuyển qua Bệnh viện hồi sức cấp cứu.
Lúc chuyển đến bệnh viện tôi vẫn tỉnh nhưng gần như thở không ra hơi nữa. Tôi tuyệt vọng lắm, không nghĩ mình có thể sống sót đến ngày hôm nay. Tôi mang ơn tất cả các y bác sĩ rất nhiều.
Bệnh nhân được xuất viện Danh Hoàng Sa
Rất đau xót khi không thể cứu được bệnh nhân
Có mặt trong buổi lễ xuất viện, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM - gửi lời chúc mừng tới tất cả bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật để về chăm sóc tại gia đình. Theo thứ trưởng, trong số các bệnh nhân ra viện, có người bệnh rất nặng và nguy kịch. Tuy vậy nhờ sự tận tình, nỗ lực hết mình của y bác sĩ, các bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh.
"Khi trực tiếp trải qua quá trình điều trị, các bệnh nhân sẽ có rất nhiều kinh nghiệm và là những nhân chứng sống để khi về địa phương tuyên truyền, nhắc nhở bà con lối xóm tuân thủ các biện pháp phòng dịch; các cách chăm sóc bảo vệ bản thân, đồng thời biết cách nhận biết các triệu chứng mắc bệnh, thông tin điều trị kịp thời, tránh diễn tiến bệnh trở nặng" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Đồng thời gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ, các tình nguyện viên, nhân viên của Bệnh viện hồi sức COVID-19 đã cùng nhau hợp tác, gắn kết vượt qua nhiều khó khăn để điều trị cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Thanh Linh - phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện hồi sức - cho biết gần 2 tuần đi vào hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 410 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Sau một thời gian hồi sức, đã có 88 bệnh nhân sức khỏe ổn định được chuyển về các tuyến cơ sở và 17 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, được xuất viện ngày 26-7.
"Bệnh nhân vào đây phần lớn rất nặng. Mỗi khi có người mất, chúng tôi rất đau xót. Nhiều bệnh nhân được cứu sống hoặc chuyển từ mức độ nguy kịch sang nhẹ, và xuất viện, mang đến nhiều tín hiệu lạc quan trong quá trình điều trị. Cứu sống bệnh nhân là nỗ lực của rất nhiều người, từ nhiều bộ phận của nhiều bệnh viện" - bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.
Cứu sống được càng nhiều bệnh nhân càng tốt
TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 - cho biết đến nay bệnh viện đã hoàn tất giai đoạn 1 với 460 giường điều trị, có hơn 650 nhân viên y tế đang tham gia điều trị, chủ yếu từ các bệnh viện gồm Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Thống Nhất, Ung bướu, 71 trung ương, 74 trung ương và một số tỉnh thành phía Bắc.
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục huy động nhân lực, trang thiết bị như máy thở, ECMO, máy lọc máu... để nâng công suất lên 700 giường.
Khẳng định phía trước các y bác sĩ đang đối diện với một "khối lượng công việc khổng lồ", bác sĩ Thức cho biết đơn vị sẽ nỗ lực hoàn thiện nhằm cứu sống được càng nhiều bệnh nhân càng tốt.
TTO - Sáng nay 27-7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 2.764 ca mắc COVID-19, trong đó TP.HCM 1.849 ca, TP.HCM đã có chủ trương chuyển chiến lược sang điều trị, theo hướng tập trung các nguồn lực giảm tỉ lệ tử vong.
Xem thêm: mth.70552808072701202-ev-ort-tehc-ioc-ut-uhn-neit-uad-iougn-gnuhn/nv.ertiout